Gạo mua về để lâu không ăn hết thường sẽ xuất hiện những con bọ nhỏ màu trắng hoặc đen, người ta gọi nó là mọt gạo.
Thường người ta sẽ bỏ gạo đi hoặc đem phơi nắng để mọt tự đồng bò ra, nếu nắng gắt thì có thể sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, việc phơi nắng quá lâu, quá nhiều lần sẽ khiến cho hạt gạo dễ bị gãy, giá trị dinh dưỡng giảm đi.
Vậy mọt gạo từ đâu mà có, làm thế nào để loại bỏ và ngăn ngừa chúng? Tôi đã tìm hiểu và nhận ra chỉ cần bỏ một vài thứ này vào là mọt gạo nhiều mấy cũng biết mất sạch.
Mọt gạo từ đâu mà ra?
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về nguồn gốc của mọt gạo. Thường những con mọt này tồn tại dưới dạng trứng bị lẫn trong gạo. Trong quá trình bảo quản, dưới tác động của nhiệt độ, trứng sẽ nở thành con mọt, sẵn môi trường nhiều thức ăn nên chúng sinh sôi nhanh hơn bình thường.
Ngoài ra, ở những thùng gạo lâu ngày không được vệ sinh cũng xuất hiện loài sinh vật này. Đây là lí do vì sao dù gạo bạn mới mua nhưng cũng có mọt ở bên trong.
Nhìn chung, mọt gạo không gây nguy hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, nó lại chính là thủ phạm tiêu thụ toàn bộ vitamin, dưỡng chất bám bên ngoài hạt gạo. Đây là lý do vì sao các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn không nên sử dụng loại gạo này.
Trường hợp phát hiện gạo có mọt bạn nên tìm cách tiêu diệt chúng càng sớm càng tốt.
Làm thế nào để đuổi mọt gạo?
1. Hạt tiêu
Hạt tiêu được xem là trợ thủ đắc lực trong việc đuổi mọt gạo. Hãy cho hạt tiêu vào mảnh vải hoặc giấy ăn rồi bọc lại. Sau đó, bạn cho chúng vào trong thùng đựng gạo.
Nhờ chất chống oxy hóa tự nhiên cùng mùi thơm đặc trưng, hạt tiêu sẽ xua đuổi và ngăn chặn sự sinh sôi của côn trùng. Lưu ý, sau khi cho hạt tiêu vào, bạn nên đậy nắp thùng gạo thật kín rồi để ở nơi thoáng mát.
Tuy hạt tiêu có mùi hơi nồng và hắc nhưng không ảnh hưởng tới hương vị của gạo vì thế bạn có thể hoàn toàn yên tâm.
2. Tỏi
Ngoài hạt tiêu thì tỏi cũng là “khắc tinh” của mọt gạo. Cách làm rất đơn giản, tỏi khô bóc sạch lớp vỏ rồi cho vào thùng gạo. Bạn có thể đặt tỏi xuống dưới rồi đổ gạo lên trên. Hãy nhớ xếp lớp theo thứ tự 1 lớp gạo - 1 lớp tỏi (chỉ cần vài nhánh).
Sự xuất hiện của tỏi sẽ khiến mọt gạo tự động rời đi, những con khác cũng không dám “bén mảng” tới gần.
3. Rượu trắng
Nếu không sẵn 2 loại gia vị trên thì bạn cũng có thể dùng rượu trắng thay thế. Trước tiên, bạn hãy vùi chai rượu vào thùng gạo. Nhớ đặt miệng chai cao hơn bề mặt gạo rồi vẩy 1 chút rượu trắng lên bên trên.
Trong rượu có chứa ethanol giúp diệt khuẩn và côn trùng cực kỳ tốt. Mùi hắc của rượu cũng ngăn mọt gạo quay trở lại.
Gạo có dính mọt có ăn được không?
Như đã chia sẻ, mọt gạo gần như không có tác động xấu tới sức khỏe của con người. Phần đa mọi người đều cho rằng gạo có mọt là bẩn và bỏ đi. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, những con mọt này không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Chúng tương đối sạch sẽ và không có các mầm mống gây bệnh.
Tuy nhiên, chúng lại dễ ăn mất phần dinh dưỡng trong gạo vì thế bạn cần tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm lấn của chúng càng sớm càng tốt.
Với gạo có mọt nhiều thì không nên sử dụng. Nhưng nếu để tận dụng nó bạn nên vo và làm sạch cẩn thận. Nhớ đãi gạo thật kỹ như thế sẽ tránh còn sót lại những con mọt đen nhé.
Để tránh mọt quay trở lại, bạn nên cất gạo ở các khu vực thoáng mát, đậy kỹ nắp thùng hoặc buộc chặt nút bao. Mọt gạo thường dễ sinh sôi trong môi trường ẩm ướt. Nhiệt độ lý tưởng để trứng mọt nở là từ 30 - 33 độ, vì thế bạn thường bắt gặp chúng nhiều hơn vào mùa hè.
Ngoài ra, bạn cũng không nên tích trữ gạo quá nhiều. Tốt nhất là mua ít để ăn hết rồi mua lượt mới. Chỉ nên mua gạo đủ ăn trong vòng từ 1 - 2 tháng mà thôi.