Nếu như giao thừa, người Việt chuẩn bị mâm cỗ tươm tất đón tổ tiên về ăn Tết thì hóa vàng chính là thủ tục làm cỗ để các gia đình làm lễ tiễn ông bà về “nhà” ở địa phủ sau khi Tết kết thúc. Lễ hóa vàng cũng đánh dấu kết thúc ngày Tết tại các gia đình nên người ta còn gọi là làm hết Tết. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng gia chủ mới được người âm chứng giám, phù hộ cho gia đình được mạnh khỏe, phát đạt, chính vì vậy lễ cúng hóa vàng cũng được mọi người vô cùng chú trọng.
Lễ cúng hóa vàng cũng được mọi người vô cùng chú trọng.
Cách chuẩn bị mâm lễ cúng hóa vàng
Chia sẻ về mâm cỗ cúng hóa vàng, chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết, mâm cỗ cúng hóa vàng thường là cỗ mặn với đầy đủ các món ăn. Bởi vì đây là lúc tiễn đưa ông bà, tổ tiên về với cõi âm sau những ngày về với con cháu để đón Tết, do đó mâm cỗ cúng cần phải chuẩn bị tươm tất, bao gồm những món chính như sau:
- Thịt gà luộc - Giò - Xôi - Thịt đông
- Canh măng - Rau xào - Bánh chưng (bánh tét) - Nem (chả giò) rán
Bên cạnh mâm cỗ mặn cúng gồm nhiều món ăn quan trọng, gia đình cũng cần chuẩn bị một số đồ cúng như: Vàng mã, trà hoặc rượu, bánh kẹo, trầu cau, đèn nến, hương nhang... để đi kèm trên bàn thờ. Sau khi kết thúc việc đọc văn khấn và làm lễ cúng tiễn xong, gia chủ hãy thực hiện việc hóa vàng tiễn các vị thần linh trước, sau đó mới bắt đầu hóa vàng tiễn ông bà, tổ tiên.
Mâm cỗ cúng cần phải chuẩn bị tươm tất.
Dưới đây là gợi ý đầu đủ nhất lễ vật và mâm cỗ cúng hóa vàng chay và mặn cho mọi người ngày Tết này:
Lễ vật hóa vàng Tết
Lễ vật chuẩn bị cho mâm cúng hóa vàng ngày Tết Lễ vật chuẩn bị cho mâm cúng hóa vàng ngày Tết cũng giống với chuẩn bị mâm cúng gia tiên những ngày Tết, thường gồm có:
- Hương
- Hoa tươi
- 1 mâm ngũ quả
- Vàng mã
- 1 đĩa trầu cau
- Rượu và trà
- Bánh chưng, xôi
- Đèn hoặc nến
Ngoài lễ vật thì mâm cơm hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất. Mâm cơm hóa vàng ngày Tết có thể cúng cỗ mặn hoặc cỗ chay tùy vào mỗi gia đình.
Mâm cơm mặn hóa vàng ngày Tết
Mâm cơm mặn hóa vàng ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất như mâm cỗ cúng 30 hay mùng 1 Tết. Một mâm cơm hóa vàng thường có:
- 1 đĩa giò lụa
- 1 đĩa nem rán
- 1 bát ninh
- 1 bát mọc
- 1 đĩa gà luộc
- 1 đĩa bánh chưng
- 1 đĩa xôi
Ngoài ra, mỗi gia đình đều có chuẩn bị thêm các món ăn giải ngán ngày Tết như dưa hành, nộm, các món cuốn, canh cá... tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.
Mâm cơm chay cúng hóa vàng ngày Tết
- 1 đĩa rau củ xào chay
- 1 bát canh rau củ nấm chay
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa giò chay
- 1 đĩa gỏi chay.
Ngoài ra, các gia đình có thể chuẩn bị thêm các món ăn chay theo điều kiện của gia đình mình.
Cúng hóa vàng năm nay nên tránh ngày nào để không mất lộc cả năm?
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, thông thường mọi người thường kiêng hóa vàng mùng 3, mùng 7, đặc biệt là mùng 5 là nguyệt kỵ theo quan niệm “mùng 5, 14, 23 đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn”. Chính vì vậy mà mọi người thường hóa vàng mùng 4 hoặc mùng 6.
Tuy nhiên năm nay mùng 4 Tết (tức ngày 4/2/2022 dương lịch) trùng với ngày lập xuân. Theo Ngọc Hạp Thông thư gọi là Nhật lịch lịch dương lịch tiết khí theo 24 tiết khí, lịch nông nghiệp.
“Ở Châu Á, đa phần các quốc gia có nền văn minh nông nghiệp và Việt Nam là một trong số quốc gia nông nghiệp nên rất coi trọng ngày lập xuân vì lập xuân được coi là ngày mở màn của mùa xuân nông nghiệp. Và từ xa xưa đã có truyền thống Tết lập xuân thực hiện nghi lễ cúng Nhị thập tứ tuần tức 24 vị thần cai quản 24 tiết khí.
Chính vì vậy năm nay mọi người tuyệt đối không được hóa vàng vào mùng 4 tết vì hóa vàng kết thúc nghi lễ gia tiên trong khi đó lập xuân là khai mở chào đón năm mới của mùa xuân nông nghiệp. Ngày lập xuân rất kiêng kị việc hóa vàng bởi như vậy sẽ đóng lại vận may mắn của cả gia đình và dòng tộc”, chuyên gia cho biết.
Chuyên gia phong thủy Song Hà.
Chuyên gia phong thủy song Hà cũng chia sẻ thêm, mọi người có thể hóa vàng sớm vào mùng 2, 3 Tết hoặc hóa vàng muộn vào mùng 6, 7 Tết. Nếu gia đình không phải người làm ăn có thể hóa vàng vào mùng 5. Hóa vàng được phép thực hiện vào buổi tối, không bắt buộc vào ban ngày trước giờ Ngọ.
Ngoài ra, mọi người nên cúng lễ lập xuân vào buổi sáng bởi đây không chỉ là ngày lễ vô cùng quan trọng mà còn giúp giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nếu gia đình coi trọng lễ hóa vàng mà không làm lễ lập xuân là một điều vô cùng thiếu xót, coi trọng lễ nhẹ mà bỏ qua lễ nặng.
Năm 2022 kỵ nhất hóa vàng ngày mùng 4 Tết vì trùng vào ngày Lập xuân.