* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo
1. THỊT GÀ
Thịt gà luộc là món ăn quen thuộc trong nhiều bữa cơm gia đình và cũng là món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết. Tuy nhiên, gà luộc không đơn thuần chỉ là một món ăn mà theo quan niệm dân gian, nó thể hiện được tấm lòng thành kính của gia chủ đối với tổ tiên.
Không chỉ thế, người ta tin rằng màu vàng của thịt gà thể hiện khởi đầu suôn sẻ, tài lộc đong đầy trong năm mới.
Cách luộc gà cúng đơn giản như sau:
Chuẩn bị: - Gà trống đã mổ sẵn, nghệ, rượu gừng, hành khô, hạt nêm, muối.
Sơ chế gà:
- Gà mua về sau khi làm sạch chà qua 1 lần muối với chút rượu gừng để khử mùi. Sau đó rửa sạch lần nữa. Dùng 1 chiếc xiên nhỏ để tạo gà cánh tiên.
- Để luộc gà được đẹp cần dùng 1 nồi nước đủ ngập hết gà. Cho gà vào nồi thêm vài lát hành khô + gừng nêm chút hạt nêm với muối. Gà để ở tư thế thẳng, không để nghiêng.
Thời gian luộc gà
- Bật bếp đun cho đến khi nước sôi, hạ nhỏ lửa để sôi lăn tăn 5 phút đối với gà từ 1kg - 2kg. 7 - 10 phút đối với gà từ 2,5 - 4kg. Tắt bếp, cứ để nguyên gà ngâm trong nồi thêm 15 - 20 phút là được.
- Đối với gà già thì từ lúc sôi tính thời gian 15 phút đun nhỏ lửa.
Để gà lên màu vàng đẹp
- Trong lúc đợi gà chín. Dùng 3 nhánh nghệ tươi đập dập, dùng 4 thìa dầu ăn để thắng màu nghệ, bật bếp cho dầu nóng vừa rồi cho nghệ vào thắng nhỏ lửa tới khi xác nghệ quắt lại là được, nếu gà có mỡ thì dùng chính mỡ gà thắng luôn.
- Gà sau khi chín ngâm qua nước lạnh 5 phút.
- Sau đó vớt để ráo nước dùng khăn sạch thấm khô nước. Rồi dùng cọ nấu ăn hoặc khăn giấy sạch thấm vào dầu nghệ rồi quét 1 lớp mỏng lên con gà để tạo màu vàng đẹp. Trường hợp gà nuôi bắp lâu thì không cần bước lấy màu vì gà nuôi bắp có màu vàng đẹp sẵn.
2. XÔI GẤC
Người xưa luôn quan niệm màu đỏ tượng trưng cho màu sắc của sự hạnh phúc, tươi vui, là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành. Riêng màu đỏ của gấc là màu sắc được tạo ra từ tự nhiên, nên sẽ đem lại sự dung hòa, thuận lợi trong năm mới.
Vì thế, vào đêm giao thừa và sáng mùng 1 đầu năm, người ta hay làm xôi gấc để thắp hương rồi thụ lộc với niềm tin sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Bên cạnh xôi gấc, người ta còn làm cả bánh chưng gấc, bánh phu thế gấc, bánh nếp gấc... với mong muốn tương tự.
Cách đồ xôi gấc ngon như sau:
Nguyên liệu:
- 2 chén nếp
- 150gr thịt gấc (mình dùng gấc đông lạnh)
- 70gr đường
- 1/4 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh rượu
- 100ml nước cốt dừa
Cách làm:
- Nếp vo sạch ngâm với nước ấm ít nhất 4 tiếng hay qua đêm.
- Gấc cho vào chén cùng với dầu và rượu dầm nhuyễn, lược qua rây cho mịn.
- Nếp đổ ra rổ xả qua nước lạnh. Cho nếp vào xửng hay rổ hấp, trộn gấc đã lược nhuyễn vào cùng muối, mang bao tay trộn đều.
- Nấu 1 nồi nước sôi, cho xửng nếp vào hấp 10 phút.
- Qua 10 phút cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều và hấp tiếp 5-7 phút.
Tiếp tục cho nước dừa còn lại vào trộn đều hấp 5 phút. Cuối cùng cho đường vào xới chung hấp 7-8 phút nữa là tắt bếp.
Xôi gấc cốt dừa cho vào khuôn ấn mạnh, úp ra đĩa.
Chỉ với các bước đơn giản như vậy là bạn và gia đình đã có món xôi gấc cốt dừa thơm ngon, béo ngậy cho cả gia đình thưởng thức rồi.
3. CANH KHỔ QUA (CANH MƯỚP ĐẮNG)
Khổ qua tuy có vị rất đắng lại có ý nghĩa mang lại may mắn trong năm mới của người miền Nam. Khổ qua có nghĩa là mọi nỗi khổ sẽ qua đi để đón một năm mới hạnh phúc an lành. Do đó, trong mâm cỗ cúng ngày Tết của người miền Nam, không thể thiếu món canh khổ qua này.
Cách nấu canh khổ qua như sau:
Nguyên liệu:
- Khổ qua (mướp đắng): 6 trái
- 200g thịt xay
- 1-2 tai mộc nhĩ (nấm mèo)
- Hành lá, hành củ, ngò rí.
- Tiêu, muối, bột nêm.
- Nước dùng hầm xương hoặc nước thường.
Cách làm:
Mộc nhĩ ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, xắt nhỏ. Hành lá cắt rễ, bỏ những lá úa, giập, sau đó rửa sạch, phần đầu trắng đập giập, xắt nhỏ. Phần lá xanh để riêng. Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, đập giập, bằm nhỏ. Rau ngò rí bỏ rễ, lá già úa, rửa sạch, xắt nhỏ.
Đối với món này khi xay thịt nên xay cùng chút mỡ cho nhân không bị khô. Bạn cũng có thể thay bằng một số nhân khác như chả cá thác lác, giò sống…
Cho thịt, mộc nhĩ, hành củ, đầu hành cùng chút bột nêm, tiêu trộn đều, ướp khoảng 15 phút.
Để dễ lấy ruột và món ăn được đẹp hơn thì đun một nồi nước. Nước sôi thêm 1/2 thìa muối và cho khổ qua vào chần khoảng 1 phút. Tắt bếp, cho ra ngâm ngay vào nước lạnh.
Dùng dao mổ dọc một bên trái khổ qua và moi lấy hết ruột.
Nhồi chặt nhân vào trong ruột trái khổ qua. Nhân phải được nhồi cho hơi đầy lên miệng trái. Dùng lá hành cột trái khổ qua để khi hầm nhân không bị lòi ra.
Đun sôi nước dùng hầm từ xương hoặc có thể dùng nước thường, nêm chút bột nêm. Khi nước sôi thả từng trái vào, đun lửa lớn cho sôi bùng lên. Sau đó hớt hết bọt cho nước dùng được trong và hầm đến khi chín mềm. Chú ý thời gian vì nếu nấu chưa chín, lớp vỏ khổ qua sẽ còn cứng và khó ăn. Còn nếu nấu chín quá, lớp vỏ khổ qua sẽ bị mềm nhũn, không ngon và món ăn còn quá đắng.
Khổ qua sau khi múc ra tô cần được điểm ít hành, ngò, tiêu xay để tăng màu sắc và mùi thơm.
Không chỉ là món ăn lấy may ngày Tết, canh khổ qua nhồi thịt còn rất mát và bổ. Vị đắng trong trái khổ qua chính là bài thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy mụn nhọt rất hiệu quả.
4. BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT
Bánh chưng, bánh tét thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên. Người xưa quan niệm, bánh trưng vuông vức vốn được tượng trưng cho mặt đất được chọn từ những hạt nếp ngon và đậu xanh – dấu hiệu cho thấy đất đai tươi tốt, bên trong nhân là thịt mỡ biểu tượng cho sự ấm no suốt năm.
Bên cạnh đó, việc ăn bánh chưng, bánh tét cũng là một cách để "lấy may" trong năm mới.
Tham khảo thêm cách làm bánh chưng, bánh tét.
5. CÁ
Cá là món thường xuất hiện trong ngày đầu năm. Không chỉ ngon, cá còn chứa nhiều chất đạm, chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe và cũng là nguyên liệu tuyệt vời làm nên nhiều món ngon trong mâm cỗ.
Một số quan niệm cho rằng, cá ăn trong ngày Tết phải còn nguyên đầu đến đuôi để bảo đảm một năm mới “đầu xuôi đuôi lọt”.
DƯA HẤU
Người xưa cho rằng, một quả dưa hấu tròn trịa viên mãn với sắc đỏ tài lộc, nhiều cát sẽ đem lại nhiều may mắn cho gia đình vì những "hạt cát" trong quả dưa hấu đồng âm vời từ “cát” trong tiếng Hán cũng biểu trưng cho sự may mắn dịp đầu năm.
HOA QUẢ CÓ HÌNH TRÒN
Ăn bất cứ trái cây nào có hình tròn như cam, bưởi... vào ngày đầu năm mới là tục lệ thường gặp ở nhiều nước, dù số lượng múi trái cây thường khác nhau. Vì thế, trong mâm ngũ quả ngày Tết, nhất là ở Miền Bắc, bao giờ cũng phải có quả bưởi, cam, quất, táo...