1. BÁNH XÈO
Nguyên liệu:
- Pha bột: 100g bột chiên tempura + 300-350ml nước (100ml nước cốt dừa + 250ml nước có ga) + hành lá + chút bột nghệ
Lưu ý: Nước khoáng có ga khiến bánh có vị thơm và ngọt bùi nhẹ. Nếu không có nước khoáng có thể thay bằng bia hoặc nước lọc bình thường, bánh vẫn giòn vì quan trọng còn cách đổ bánh nữa.
- Nhân bánh:
Thịt: với thịt mọi người thái miếng mỏng hoặc dùng thịt băm. Ướp với xíu muối, hạt nêm.
Tôm: tôm to thì bỏ đầu cắt chân rồi cắt làm 3,t ôm nhỏ nhỏ thì cắt râu. Cũng ướp với xíu muối.
Giá đỗ: rửa sạch để ráo nước.
- Nước chấm:
Tỉ lệ pha nước chấm là 2-1-1-3 (mắm, 1 đường, 1 chanh, 3 nước). Dùng thìa để đong.
- Tỏi ớt băm nhỏ và cho vào sau khi đã pha sẽ giúp tỏi ớt nổi đẹp mắt.
- Rau sống, rau thơm, dưa tuỳ vào mọi người thích ăn gì.
- Đồ chua: cà rốt, đu đủ bào sợi, cho đường và dấm trộn đều.
Cách làm:
Bước 1: Pha bột
Cho các nguyên liệu (trừ hành lá) để pha bột làm vỏ bánh xèo vào bát tô to, khuấy đều cho tan hết bột, rồi để sang một bên rồi chuẩn bị những nguyên liệu khác. Để bột nghỉ 20 phút.
Hành lá không cho ngay vào lúc đầu mà để lúc nào chuẩn bị đổ bánh thì cho vào. Thỉnh thoảng phải khuấy bột để bột khi bị lắng. Nếu 2 ăn thì dùng 150g bột là được 8 chiếc bánh xèo.
Bước 2: Đổ bánh
Phần này quan trọng, vì nếu mọi người pha bột đúng, nhưng đổ bánh không đúng cách thì bánh cũng không giòn được.
- Đặt chảo lên bếp, để lửa lớn cho chảo thật nóng, quét một lớp dầu mỏng lên. Khi chảo đã nóng rồi (lưu ý là phải thật nóng, mọi người nhớ cẩn thận không bỏng) cho thịt và tôm, đảo qua cho chín.
- Sau đó múc một muôi bột (muôi dùng múc canh), tay trái cầm cán chảo để lắc, tay phải múc bột, đổ từ phần rìa xung quanh chảo, sau đó lắc cho bột dàn đều. Cho giá lên và đậy vung khoảng 30 giây (vẫn để lửa lớn).
- Sau đó mở vung ra cho chảo bay hơi nước và hạ lửa nhỏ. Muốn bánh giòn thì mọi người chịu khó kiên nhẫn, mỗi cái bánh mất khoảnh 6-8 phút. Lúc này để lửa nhỏ thôi thì bánh không bị cháy và giòn. Vì thế, nếu muốn nhanh thì đổ bánh 2 bếp, trong lúc chờ bánh này có thể đổ bánh bên kia.
Sau khi thấy phần rìa bánh tróc khỏi chảo, quét thêm một lớp dầu để bánh được chiên giòn. Bánh giòn rồi thì gập lại và cho ra đĩa thôi.
2. XÔI XÁ XÍU
Nguyên liệu:
Phần thịt xá xíu:
- Thịt ba chỉ hoặc thịt vai đầu giòn
- Nước sốt thịt nướng
- Gói ướp xá xíu Thái Lan
- Ngũ vị hương
- Hành, tỏi băm
- Mật ong
- Dầu hào
- Xì dầu
- Đường, hạt nêm, tiêu
Lưu ý: Gia vị có thể tự điều chỉnh theo khẩu vị của bản thân.
Sốt ăn kèm:
- Một ít thịt xay, 3 muỗng dầu hào + 4 muỗng xì dầu + 2 muỗng đường + 2 muỗng giấm nấu cho sôi sền sệt lại là được.
Phần xôi:
- Gạo nếp ngon
Ăn kèm: Ruốc thịt, hành khô phi thơm, giò tai, lạp xưởng... tùy sở thích.
Cách làm:
Bước 1: Ướp thịt
- Thịt rửa sạch, dùng khăn giấy thấm khô nước.
- Trộn đều các gia vị phần làm thịt xá xíu vào với nhau. Sau đổ sốt ướp lên thịt, xoa bóp miếng thịt 10 phút cho ngấm đều 2 mặt rồi cất tủ lạnh, ướp khoảng 12 tiếng. Gia vị tự điều chỉnh theo khẩu vị của bản thân.
- Sau đó, cho thịt ra chảo, rim chín với lửa vừa và nhỏ. Rim cho đến khi thịt mềm, nước sốt keo lại là xong. Nếu thịt chưa mềm, bạn có thể thêm xíu nước rồi rim tiếp.
- Thịt xá xíu chín, cho ra thái miếng nhỏ vừa ăn. Bày thịt ra đĩa.
Bước 2: Làm nước sốt ăn kèm
Phi thơm tỏi sau đó cho một ít thịt xay vào đảo đều, nêm: 3 muỗng dầu hào + 4 muỗng xì dầu + 2 muỗng đường + 2 muỗng giấm nấu cho sôi sền sệt lại là được.
Bước 3: Nấu xôi
Gạo nếp ngon đem ngâm từ 6-8 tiếng rồi đãi sạch. Cho vào nồi đồ chín. Bạn có thể đồ 2 lần xôi càng dẻo ngon. Tức là đồ lần một xôi chín, tắt bếp, để xôi nghỉ khoảng 30 phút rồi đồ tiếp lần nữa là được.
Thưởng thức:
Khi ăn, cho xôi ra bát, xếp thịt xá xíu lên, rưới nước sốt ăn kèm. Bạn có thể cho thêm các loại topping ăn kèm khác mà bạn thích như giò tai, ruốc, hành phi, rau thơm, lạp xưởng... tùy ý.
3. CƠM GÀ
Nguyên liệu:
- 1 con gà mái tơ tầm 1.2-1.5kg
- Nước dừa tươi
- Bắp cải tím, cà rốt, hành tây, rau răm, húng lủi
- Hành lá, hành tím, tỏi, ớt, chanh
- Trứng gà non
- Gia vị: hạt nêm, muối, tiêu, nước mắm, dầu hào, bột nghệ, giấm, đường.
Cách làm:
Bước 1: Làm gà khìa nước dừa
- Rửa sạch, chà xát gà với gừng và rượu trắng để khử mùi.
- Thoa đều hỗn hợp gia vị gồm: 3 thìa hạt nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa nước mắm, 1 thìa dầu hào, 3 thìa tỏi, ớt, hành tím xay nhuyễn và 1 thìa bột nghệ lên khắp bề mặt da gà. Ướp gà trong 30 phút - 1 tiếng cho gà ngấm gia vị.
- Phi thơm hành tím băm, sau đó cho gà vào và đổ nước dừa ngập ngang con gà. Chọn nhiệt mức thấp để bắt đầu khìa gà, nhớ trở các mặt để gà được chín đều và thấm gia vị.
Gà chín chặt miếng vừa ăn.
Bước 2: Nấu cơm
- Phần mỡ gà thắng lên cùng với tỏi băm, trộn đều với gạo, thêm bột nghệ cho cơm lên màu đẹp (ai ko thích mùi nghệ có thể dùng saffron cũng lên màu vàng đẹp)
- Cho gạo vào nồi cơm điện cùng nước lọc nấu như bình thường.
Bước 3: Làm trứng gà non xào hành
- Trứng gà hấp sơ 5-10 phút. Ướp phần mề gà với xíu mắm, tiêu, hạt nêm và hành tỏi băm để xào cùng trứng.
- Phi vàng tỏi nguyên tép, cho mề gà vào đảo đều cho săn chín, tiếp tục cho trứng vào xào nhanh tay trong 5-10 phút. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, tắt bếp và thả hành tây, hành lá xắt khúc vào, trộn đều là xong.
Bước 4: Làm gỏi gà
- Bắp cải tím bào mỏng.
- Hành tây bào mỏng, ngâm vào nước đá để giòn ngon và bớt mùi hăng.
- Cà rốt xắt sợi, trộn với 1 muỗng đường, 1/2 muối, 1 muỗng giấm ướp 30 phút trong ngăn mát tủ lạnh.
- Phần ức gà xé nhỏ trộn cùng bắp cải tím, cà rốt, hành tây, rau răm, húng lủi, hành phi và muối, tiêu, chanh.
Cho cơm ra mẹt, xếp thịt gà, gỏi gà, trứng gà xào hành xung quanh và thưởng thức.
Một mẹt cơm gà vừa ngon lại thơm nức, dễ làm nhưng màu sắc rực rỡ bắt mắt như thế này đảm bảo cả nhà ai nhìn thấy cũng thích cho mà xem.
4. BÚN ĐẬU MẮM TÔM
Nguyên liệu:
- Bún.
- Các loại rau thơm, dưa leo.
- Chả cốm.
- Nem chua rán.
- Thịt ba chỉ.
- Đậu khuôn.
- Gia vị: mắm tôm, tắc, ớt, dầu ăn, đường, tỏi.
Cách làm:
Bước 1: Chuẩn bị bún
- Bún tươi trụng qua nước sôi, rồi cho ra rổ để ráo. Nhanh tay cho vào khuôn vuông, dùng đồ vật vừa với khuôn ép chặt bún để kết dính với nhau. Khi cắt ra sẽ được bún lá. Nếu bạn mua được bún lá thì không cần phải thực hiện thêm bước này.
Bước 2: Chiên đậu, chả cốm
- Xếp chả cốm, nem chua rán, đậu khuôn vào khay nướng. Xịt một lớp mỏng dầu ăn lên mặt. Cho vào nồi chiên không dầu, cài nhiệt độ 170 độ C trong 20 phút.
Nếu nhà không có nồi chiên không dầu, bạn đem chả cốm, nem chua rán và đậu vào chảo dầu để rán nhé.
Bước 3: Luộc thịt
- Thịt ba chỉ luộc cùng hành tím đập dập và vài lát gừng, xíu muối. Thịt chín thái miếng vừa ăn.
Lưu ý: Nếu thích ăn nem rán, lòng lợn luộc bạn có thể chuẩn bị thêm nhé.
Bước 5: Pha mắm tôm
Cho vào chén mắm tôm các gia vị đường, nước cốt quất, ớt băm, dầu hành tỏi phi. Đánh bông lên và nêm lại cho vừa ăn.
Bày biện:
Xếp rau kinh giới, tía tô rửa sạch, dưa chuột thái miếng lên một góc mẹt sau đó lần lượt là bún, đậu phụ, chả cốm, nem rán rồi mắm tôm. Giờ bạn chỉ việc thưởng thức thôi.
5. CHÂN GIÒ GIẢ CẦY
Nguyên liệu:
- Chân giò thui (Thui bằng rơm là tốt nhất, không có thể dùng giấy báo hoặc bếp ga để thui)
- Riềng giã nhỏ
- Củ sả
- Mẻ, mắm tôm, nước mắm ngon và một thìa bột nghệ.
Thực hiện:
Đồ nấu kèm là măng củ cắt miếng bằng ngón tay cái rồi đem luộc kỹ với nước có thả chút muối ít nhất là 3 lần trước khi đem chế biến.
Chân giò thui, sau khi rửa sạch, thấm khô, chặt miếng vừa ăn, bạn đem ướp như sau:
Với 2 cái chân giò to bạn ướp với một bát con riềng giã nhỏ, 3 củ sả lấy phần non băm nhỏ, một thìa canh mẻ, 3 thìa con mắm tôm và 1 thìa canh nước mắm loại ngon. Trộn đều các nguyên liệu này lên và ướp khoảng 1 tiếng cho ngấm vị.
Cho nồi chân giò đã ướp lên bếp, bạn cho 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, và bắt đầu xào chân giò.
Trong lúc xào bạn thêm 1 thìa con bột nghệ để món giả cầy của bạn có màu vàng đẹp nhé!
Sau khi xào chân giò hơi săn, bạn trút phần măng củ mà bạn đã luộc kỹ vào xào cùng cho măng ngấm vị.
Măng vào chân giò đã xào săn, bạn cho nước vào nồi sao cho lượng nước sâm sấp bề mặt chân giò. Mình dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian ninh nấu.
Sau khi ninh trong nồi áp suất từ 20-30 phút bạn mở nắp, nêm nếm lại vị cho vừa miệng rồi có thể múc ra bát và ăn nóng.
Trời lạnh bạn nên ăn ngay lúc nóng tránh để nguội sẽ làm đông lớp mỡ sẽ không ngon.
Món ăn kèm phù hợp với thịt chân giò nấu giả cầy bạn nên chuẩn bị là bún lá và rau húng.
Chúc các bạn thành công!