Khi chúng ta mua tôm hoặc bất cứ loại hải sản đông lạnh nào trong siêu thị cũng sẽ thấy có một lớp đá dày đóng trong khay thực phẩm đó. Nhiều người cho rằng, lớp đá này nhằm giúp cho hải sản luôn được tươi. Thế nhưng có người lại nghĩ rằng, lớp đá này là doanh nghiệp cố tình tạo ra để tăng thêm trọng lượng cho khay hải sản đó nhằm thu thêm lợi nhuận.
Vậy thực tế lớp băng đá trên bề mặt các khay tôm được bán trong siêu thị là gì? Nó có thực sự là công cụ để người bán tăng cân nặng cho khay tôm để kiếm lời bất chính?
Chuyên gia đã lý giải rằng, khi mua tôm hay bất cứ loại hải sản đông lạnh nào, nhìn thấy lớp băng đá này hãy thực sự bình tĩnh. Vì thực tế, lớp băng này còn được gọi là áo băng, là hiện tượng thường gặp trong bao bì sản phẩm thủy hải sản và cũng là điều được cho phép.
Vai trò của lớp băng phủ này rất đặc biệt, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ sẽ còn cảm thấy yên tâm hơn nếu thấy nó xuất hiện trong sản phẩm.
- Lớp băng giúp cách ly tôm, để không cho tôm tiếp xúc với không khí bên ngoài. Nó đóng vai trò bảo quản, và giữ gìn tôm.
- Lớp băng đá này làm chậm quá trình oxy hóa của tôm. Do hàm lượng nước và đạm cao nên hải sản dễ bị oxy hóa và bị thâm đen sau khi tiếp xúc với oxy. Lớp băng có thể cách ly hải sản với oxy và giảm tiếp xúc với vi sinh vật bên ngoài.
- Tác dụng chống mất nước. Khi protein trong hải sản mất đi độ ẩm, nó sẽ mất đi hương vị thơm ngon và mềm mại. Lớp băng cũng đóng vai trò giữ ẩm.
- Giữ cho hải sản được nguyên vẹn. Trong quá trình vận chuyển, thủy hải sản chắc chắn sẽ xảy ra va chạm, có lớp băng đá thì tính nguyên vẹn của tôm cá có thể được duy trì ở mức độ cao nhất, hình dáng của chúng sẽ đẹp hơn.
Để tạo ra lớp băng này, đầu tiên, người ta sẽ cho hải sản đã chọn vào ngăn đá để làm đông nhanh. Trong quá trình này, cần có ít độ ẩm và độ rung để ngăn chúng dính vào nhau. Sau đó, tôm biển đông lạnh sẽ tạo thành một lớp băng mỏng trên bề mặt sau khi đi qua nước lạnh 0 - 3oC. Quá trình này còn được gọi là mạ băng. Quá trình này có thể được lặp lại nhiều lần để đảm bảo độ dày của lớp băng.
Tuy nhiên, cũng có một số chủ buôn đã lợi dụng hiện tượng bao gói hải sản bằng nhiều lớp nước đá nhưng không ghi khối lượng tịnh trên bao bì. Dẫn đến việc một khay tôm đông lạnh nhưng đã có 1 nửa là đá. Thậm chí trông giống như rất nhiều tôm nhưng khi đem ra rã đông chỉ còn một nửa.
Do đó, khi mua tôm đông lạnh, bạn nên xem xét nhé, nếu thấy lượng băng đá chỉ chiếm khoảng 20% khay tôm thì nên mua, còn nếu chiếm quá nhiều thậm chí tới một nửa khay thì hãy bỏ qua không mua vì đây là "mánh khóe" của người bán hàng.