Bé 21 tháng tuổi bại não chỉ sau một cốc trà sữa trân châu

Mới đây, trường hợp một bé trai 21 tháng tuổi bị bại não chỉ sau một cốc trà sữa đang được nhiều người chia sẻ. Chuyên gia cho rằng, trà sữa là đồ uống được rất nhiều người ưa thích nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy. Nếu không cẩn thận, cha mẹ có thể khiến trẻ chết oan.

Bại não chỉ sau một cốc trà sữa trân châu

Mới đây trên trang cá nhân của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec đã đưa cảnh báo về việc trà sữa và bại não. Đó là trường hợp không may của một bé bé trai 21 tháng tuổi bị bại não chỉ sau một cốc trà sữa.

"Bố là công nhân xây dựng. Cuối tháng chắc được thanh toán tiền công nên anh đưa vợ và con lên thành phố chơi. Anh chiêu đãi vợ một cốc trà sữa. Con đòi thử không may hút phải thạch làm tắc đường thở, ngưng thở. Bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bé sống nhưng trong tình trạng sống thực vật, chân tay không còn cử động, tất cả các cơ gồng cứng, phải cho ăn qua ống thông. Chụp MRI thấy não bị teo rất nặng. Mặc dù rất ít hy vọng nhưng bố mẹ vẫn muốn ghép tế bào gốc cho bé. Ngày hôm qua ca ghép đã được tiến hành. Kinh phí đã được các nhà hảo tâm đóng góp… Với tình trạng của bé chắc còn phải ghép một số lần nữa. Mong bé sẽ có thay đổi tích cực. Các phụ huynh cần chú ý không cho trẻ nhỏ uống các loại trà sữa hoặc ăn thạch mút" – GS.TS Thanh Liêm cảnh báo.

be 21 thang tuoi bai nao chi sau mot coc tra sua tran chau - 1

Bé trai 21 tháng bị bại não sau một cốc trà sữa. Ảnh BS

Trên thực tế, việc trẻ bị hóc dị vật từ việc uống trà sữa, hóc thạch không phải là hiếm gặp. Thậm chí có những trường hợp bị tắc ruột vì thường xuyên uống trà sữa thay cơm khiến các hạt trân châu đóng bánh trong ruột. Như trường hợp một nam thanh niên đã phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, siêu âm thấy các quai ruột giãn to. Khi vào viện, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột và với khối bã quá rắn chắc không thể tán nát nên đã phải mổ mở để xử lý.

Đã có những trường hợp trẻ hóc dị vật đường thở không xử lý kịp thời phải bỏ mạng. Cách đây không lâu, một bé gái 9 tuổi sau khi uống trà sữa trân châu đã bị hóc. Khi vào viện, bé đã hôn mê do dị vật đường thở. Sau khi các bác sĩ cấp cứu cho tim bệnh nhi đập trở lại đã chuyển sang điều trị ở BV Nhi đồng I. 13 ngày sau điều trị, bệnh nhi đã tử vong.

Lưu ý khi cho trẻ uống

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, việc cha mẹ cho trẻ uống các loại trà sữa trân châu hay ăn thạch cần hết sức cẩn thận, nguy cơ hóc dị vật được thở rất lớn. Hạt trân châu được làm bằng bột dẻo dẻo dai, dính cùng với nước trà sữa thơm ngọt nên được rất nhiều người thích. Nhưng thường thì thạch hay hạt trân châu trong trà sữa tròn, trơn nên khi trẻ dùng ống hút hút mạnh rất dễ làm lọt thức ăn vào đường thở gây bít tắc, nguy hiểm đến tính mạng. Việc sơ cứu để lấy ra dị vật như thạch, hạt trân châu cũng khó hơn so với các dị vật cứng như hạt nhãn, hạt chôm chôm...

be 21 thang tuoi bai nao chi sau mot coc tra sua tran chau - 3

Cho trẻ nhỏ uống trà sữa trân châu cần hết sức cẩn thận. Ảnh minh họa

Để tránh những cái chết oan vì trân châu, thạch, các bậc cha mẹ cần lưu ý không cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm trong khi ăn. Khi ăn mà trẻ bị ho cần dừng lại ngay, đợi trẻ hết cơn ho mới cho ăn tiếp. Nếu có uống trà sữa trân châu nên múc hạt bằng muỗng, không dùng ống hút, hút mạnh rất dễ sặc. Tốt nhất trẻ dưới 2 tuổi không nên cho uống, ăn quá nhiều thạch vì phản xạ đường thở chưa hoàn thiện dễ hóc.

Theo các bác sĩ, sơ cứu với các trường hợp hóc dị vật rất quan trọng. Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn, trường hợp trẻ ngạt chỉ 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Điều này đòi hỏi người lớn cần biết sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Nếu không sơ cứu đúng dù được chuyển đến bệnh viện cứu sống vẫn có nguy cơ chịu di chứng suốt đời vì tổn thương não không phục hồi, thậm chí tử vong.

Khi sơ cứu, mọi người không cố lấy dị vật bằng tay vì dễ đưa dị vật chui sâu hơn làm tổn thương họng hoặc kích thích gây co thắt thanh quản. Với trẻ dưới 2 tuổi, phát hiện trẻ hóc dị vật cần lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên 1 tay của người lớn, giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho cho dị vật bắn ra.

Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay. Dùng ngón trỏ ấn thật nhanh, mạnh vào xương ức. Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa thực hiện lại động tác cho đến khi xe cấp cứu tới. Trẻ 5 – 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực, dùng phương pháp Heimlich ép bụng.

Những sai lầm nguy hiểm cha mẹ hay mắc phải khi con hóc dị vật
Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)