Weiwei ở Giang Tây (Trung Quốc) năm nay mới 10 tuổi nhưng đã trải qua 8 lần nội soi dạ dày. Kể về bệnh nhân nhỏ tuổi này, bác sĩ Chen Feibo - trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện nhi Đại học Chiết Giang vẫn còn nhớ như in.
Ấn tượng đầu tiên của bác sĩ Chen Feibo về cô bé là một bé gái gầy gò, nước da xấu và không có chút tinh thần hoạt bát của một đứa trẻ. Sau khi hỏi kỹ, bác sĩ biết được cô bé Weiwei thường xuyên cảm thấy khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn, đôi khi đi ngoài ra phân đen.
Một lần, Weiwei bị ngất trong nhà vệ sinh của trường, đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện huyết sắc tố giảm xuống rất thấp, tức là thiếu máu nặng. Lúc này, cha mẹ cô bé mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề và đưa Weiwei đến Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang để điều trị.
Cô bé Weiwei 10 tuổi phải nội soi dạ dày tới 8 lần vi nhiễm vi khuẩn Hp. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Chen Feibo trong quá trình nội soi dạ dày đã phát hiện ra rằng Weiwei bị loét dạ dày kèm theo xuất huyết tiêu hóa và hẹp tá tràng, tình trạng rất nghiêm trọng. Tại sao dạ dày của một bé gái 10 tuổi lại trong tình trạng tồi tệ như vậy? Kết quả nội soi dạ dày cho thấy Weiwei bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày và hầu hết các trường hợp nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ở trẻ em đều là lây nhiễm từ người lớn ở nhà. Sau đó, cha mẹ của Weiwei đã được kiểm tra và phát hiện dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori.
Bác sĩ Chen Feibo đã theo dõi và điều trị cho Weiwei trong 2-3 năm, vì vi khuẩn Helicobacter pylori mà cô bé nhiễm có khả năng kháng thuốc cao nên tình trạng này cứ lặp đi lặp lại và chưa được loại bỏ.
Trên thực tế, việc phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori rất phổ biến ở người lớn, nhưng trẻ em có cần xét nghiệm không? Trẻ em có cần điều trị nếu được chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hay không?
Bác sĩ Chen Feibo từ Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang, phó chủ tịch Ủy ban Tiêu hóa Nhi khoa của Hiệp hội Bác sĩ Y khoa Trung Quốc sẽ giúp giải đáp cụ thể.
Bác sĩ Chen Feibo.
Helicobacter pylori là gì?
Helicobacter pylori (Hp) là một loại vi khuẩn chỉ có trong đường ruột của con người, thuộc họ Helicobacteriaceae, là trực khuẩn Gram âm hình cong, xoắn ốc hoặc hình chữ S. Sự tồn tại của vi khuẩn Hp có thể gây ra hàng loạt bệnh tật, hơn 90% trường hợp loét tá tràng và khoảng 80% trường hợp loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn này. Nhiễm vi khuẩn Hp cũng là một trong những yếu tố gây ung thư được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định, đồng thời có thể dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm lớn và chậm phát triển ở trẻ em.
Các thành viên trong gia đình có lây truyền vi khuẩn Hp cho trẻ em?
Câu trả lời là có. Vì trong số các con đường lây truyền của Hp thì đường phân-miệng và đường miệng-miệng là con đường dễ lây nhiễm cho trẻ nhất. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người chăm sóc thân cận nhất với trẻ như cha mẹ, ông bà có thể truyền Hp cho con cháu của họ và nhiễm trùng Hp thường có tính chất gia đình.
Các con đường lây nhiễm là gì?
Trong số các đường lây truyền của vi khuẩn Hp, lây truyền qua đường phân-miệng và lây truyền qua đường miệng-miệng có khả năng lây truyền sang trẻ em cao nhất, cụ thể như sau:
(1) Các thành viên trong gia đình dùng chung bộ đồ ăn, bàn chải đánh răng... và vi khuẩn Hp sẽ được truyền giữa các thành viên trong gia đình thông qua những vật dụng này như một phương tiện trung gian;
(2) Ý thức vệ sinh cá nhân kém, đụng chạm vào bát đĩa, thức ăn của trẻ khi cho trẻ ăn, đi vệ sinh xong không rửa tay;
(3) Một số cha mẹ thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh thực phẩm, thường dùng miệng để thử độ nóng của thức ăn, hoặc nhai thức ăn rồi cho con ăn, đó là con đường lây truyền miệng - miệng. Một khi cha mẹ đã nhiễm vi khuẩn Hp hoàn toàn có thể lây truyền cho con.
Có nên điều trị vi khuẩn Hp cho trẻ em không?
Bác sĩ Chen Feibo cho biết vì trẻ em là một nhóm người tương đối đặc biệt nên vẫn cần lắng nghe ý kiến chuyên môn của các bác sĩ tùy theo tình hình thực tế. Các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị khuyến cáo rằng trẻ em có các tình trạng sau nên được xét nghiệm vi khuẩn Hp:
- Loét dạ dày tá tràng
- U lympho mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc dạ dày (MALT)
- Viêm dạ dày mãn tính
- Thiếu máu thiếu sắt kháng trị không rõ nguyên nhân
Nếu trẻ nhiễm vi khuẩn Hp mà chưa có triệu chứng thì chưa cần điều trị. Nếu không có dấu hiệu gì, sự có mặt của vi khuẩn Hp giống như một vi khuẩn cộng sinh, đem lại một số tác dụng cho cơ thể. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người bệnh cần điều trị vi khuẩn Hp triệt để trong một số trường hợp sau:
- Viêm loét dạ dày, tá tràng
- Trẻ xuất hiện các triệu chứng khó tiêu, ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa
- Xuất huyết, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân
- Ung thư dạ dày dù đã phẫu thuật
- Thiếu sắt, thiếu máu
- Trường hợp người thân trong gia đình như: bố, mẹ, anh, chị có tiền sử bị ung thư dạ dày
- Viêm teo niêm mạc dạ dày.
Làm thế nào để phòng ngừa?
Ngay cả khi đã được điều trị thì vi khuẩn Hp vẫn có khả năng tái phát nếu không chủ động phòng ngừa. Bác sĩ Chen Feibo cho biết, bất kể trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn Hp hay không, đều nên tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa như sau:
- Rửa tay bằng xà phòng/nước rửa tay khô trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Chấm dứt việc cho trẻ ăn bằng miệng, nhai thức ăn rồi mới cho trẻ ăn;
- Chuẩn bị bát đĩa riêng cho trẻ, tránh dùng chung bữa ăn hoặc dùng chung đũa để tránh lây lan nước bọt, nhất là khi trong gia đình có người mắc bệnh;
- Cố gắng tránh hôn trẻ em, đặc biệt là những trẻ bị nhiễm Hp.