Dậy thì sớm và phát triển chiều cao ở trẻ luôn là 2 vấn đề bố mẹ quan tâm hàng đầu trong quá trình nuôi con. Nhưng nếu không cẩn thận trong cách chăm sóc, bố mẹ lại rất có thể vô tình đẩy con vào những tình trạng bất lợi về thể chất trong tương lai. Cụ thể mới đây, bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn ( (thành viên của Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng Anh) đã chia sẻ bài viết về sự liên quan giữa hai vấn đề dậy thì sớm và phát triển chiều cao.
Bác sĩ Anh Nguyễn được nhiều bố mẹ tin tưởng khi thường xuyên chia sẻ những kiến thức khoa học trong việc nuôi dạy trẻ.
Theo đó, bác sĩ Anh Nguyễn trích dẫn kết quả của một nhóm nhà khoa học và cho thấy: Nếu bé dậy thì sớm hơn so với tuổi dậy thì trung bình 2 năm, thì chiều cao trưởng thành của bé trai thấp hơn 6,8cm trong khi chiều cao trưởng thành của bé gái thấp hơn 10.8cm.
Các bố mẹ vì vậy cần phải tiếp nhận những thông tin đúng đắn để có thể điều chỉnh và tạo lập cho con một chế độ lành mạnh, tránh dậy thì sớm.
Tác hại khó lường liên quan dậy thì sớm
Bác sĩ Anh Nguyễn cho biết, cụm từ "Dậy thì sớm" đang được nhiều chuyên gia sức khỏe quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt khi tổ chức Y Tế Thế giới WHO thống kê về độ tuổi dậy thì của các bé gái đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm, trong khi bé trai cũng sớm hơn 1-2 năm.
Đi cùng với sự phát triển sớm của tuổi dậy thì, một số nghiên cứu cho thấy sự phát triển sớm hơn của các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch… Những bệnh liên quan đến hormone sinh dục estrogen như ung thư vú, ung thư cổ tử cung… lại có sự liên hệ gần gũi với sự dậy thì sớm ở trẻ.
Theo vị bác sĩ dinh dưỡng, nhiều cha mẹ khi thấy con dậy thì sớm, thân hình cao lớn và phát triển nhanh hơn các bạn thường vui mừng. Nhưng các trường hợp này thường có chiều cao thấp hơn chiều cao tiêu chuẩn khi trưởng thành vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển xương sớm, các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không phát triển chiều cao được nữa.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Sławomir Kozieł (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan) cho thấy: Trẻ em trai dậy thì sớm hơn 1 năm so với tuổi dậy thì trung bình (11,9 tuổi) có chiều cao ước tính khi trưởng thành thấp hơn 2,9cm. Nếu xuất hiện sớm hơn trung bình 2 năm có chiều cao trưởng thành thấp hơn 6,8cm.
Trẻ em gái dậy thì sớm hơn 1 năm so với tuổi bắt đầu dậy thì (10 tuổi) có chiều cao trưởng thành ước tính thấp hơn 4,6cm. Dậy thì xuất hiện sớm hơn 2 năm thì chiều cao ước tính khi trưởng thành thấp hơn 10,8cm.
Về nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ Anh Nguyễn cho biết: “Ngoài những lý do liên quan nội tiết và bệnh lý di truyền, theo các chuyên gia dinh dưỡng của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Anh và Mỹ: Sự phát triển sớm tuổi dậy thì có liên quan đến chế độ dinh dưỡng và cân nặng của các bé trong giai đoạn từ 0 - 10 tuổi. Bên cạnh đó, một phần đến từ sự phơi nhiễm với các chất hóa học liên quan đến biến đổi estrogen trong các sản phẩm đồ dùng không rõ nguồn gốc hằng ngày”.
Ngăn chặn sự dậy thì sớm ở trẻ
Trước việc dậy thì sớm gây ra nhiều tác hại khó lường như vậy, bác sĩ Anh Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ trong việc ngăn chặn sự dậy thì quá sớm ở trẻ.
Bác sĩ chia sẻ: “Cha mẹ ở nhiều quốc gia Châu Á, bao gồm Việt Nam, thường thích con bụ bẫm, mập mạp khi còn nhỏ. Do đó, thường cố ép trẻ ăn bằng mọi cách để con “mập như con nhà người ta”. Điều này vô tình khiến chúng ta đang đẩy trẻ đi lệch chiều hướng tăng trưởng khỏe mạnh bình thường. Trong phát triển khỏe mạnh trước 6 tuổi, cân nặng thay đổi quá mức có thể ảnh hưởng đến 2 trong 5 yếu tố cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này của trẻ. Đó là vận động và chiều cao”.
Một nghiên cứu được dẫn đầu bởi GS. Stovitz, ĐH Minnesota, Mỹ đã cho thấy việc trẻ quá to béo lúc nhỏ, đặc biệt sau 2 tuổi, có liên quan đến chiều cao trưởng thành của trẻ giảm đáng kể so với các bé có cân nặng bình thường.
Còn khi nói đến khả năng vận động, TS. Bentley, ĐH Bắc Carolina, Mỹ nhấn mạnh rằng các trẻ nhỏ thừa cân và có lớp mỡ dưới da quá nhiều sẽ liên quan đến trì hoãn vận động so với các bé có cân nặng bình thường. Các bé có thể khó đi lại, khó phát triển tốt các cơ…“Ngoài ra, béo phì và thừa cân trước 10-12 tuổi làm gia tăng dậy thì sớm ở cả bé trai và gái. Do đó, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý lúc nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh bình thường”, bác sĩ cho biết.
Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý
Bác sĩ Anh Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên về một chế độ sinh hoạt hợp lý để trẻ phát triển bình thường, tránh nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Bố mẹ cần lưu ý:
- Trẻ cần được giới thiệu ăn dặm từ 6 tháng tuổi và gia tăng sự đa dạng với các loại thực phẩm trước 2 tuổi. Giai đoạn này, trẻ chủ yếu học hành vi ăn uống, nhai và thử đa dạng vị và cấu trúc thực phẩm.
- Bổ sung vitamin D đầy đủ cho trẻ. Theo báo cáo của nhóm TS. Liu, ĐH Jilin cho thấy việc duy trì vitamin D đầy đủ có liên quan đến ngăn ngừa sự dậy thì sớm. Hơn nữa, vitamin D cùng với vitamin K cũng góp phần trong hấp thụ canxi từ thực phẩm để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao.
Canxi có thể dễ dàng đạt được qua nguồn thực phẩm hằng ngày thông qua trứng, tôm, cá, sữa và các chế phẩm sữa… Vitamin K có thể được tìm thấy trong rau xanh cho lá, các sản phẩm lên men như món đậu natto Nhật Bản, một số loại phô mai, sữa chua…
Ngoài 2 yếu tố trên, việc trẻ dưới 5 tuổi nên được cho ra công viên chơi ít nhất 2-3 ngày/tuần và trên 5 tuổi có thể tham gia 1 số môn thể thao 2-3 ngày/tuần như bơi lội, học võ, nhảy múa… là rất cần thiết.
Bố mẹ cũng cần hạn chế các chất béo bảo hòa và transfat trong thực phẩm làm sẵn như bánh snack, đồ hộp, thức ăn làm sẵn, gà rán… Đặc biệt các loại bánh snack có đủ màu sắc, đủ hương vị có nhiều chất điều vị và hóa màu, một số có nguồn gốc từ hợp chất nguy hiểm Phthalate. Tuần chỉ nên giới hạn ít hơn 2 ngày dùng các loại trên hoặc ít hơn 3 bịch bánh snack loại 120gram/tuần hoặc ít hơn 1 bữa ăn gà rán/fast food/tuần.
Hãy hạn chế nước ngọt có ga hoặc không có ga. Thành phần đường rất cao trong các loại này sẽ ảnh hưởng đến chuyển hóa năng lượng trong cơ thể các bé. Bên cạnh đó, tất cả các loại này đều có caffeine -chất kích thích, có khả năng gây nghiện. Tuần không quá 3 chai loại 250ml cho các bé dưới 12 tuổi.
Cuối cùng, bác sĩ Anh Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ cần giảm thiểu việc trẻ tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng đến tăng trưởng. Hãy đọc thành phần các thực phẩm làm sẵn, tuyệt đối không cho bé dùng hoặc mẹ đang cho con bú cũng không nên dùng các sản phẩm chứa gốc phthalate như monobutyl phthalate (MBP), diethylhexyl phthalate (DEHP), diethyl phthalate (DEP), diisodecyl phthalate (DIDP), benzylbutyl phthalate (BZBP), monomethyl phthalate (MMP).
Các vị phụ huynh cũng nên chọn các sản phẩm nhựa uy tín và có chỉ số nhựa an toàn là hình tam giác có chỉ số là 2, 4, 5 dưới đáy chai. Các số còn lại 1,3, 6, 7 nên tránh với các bé. Nếu không có kí hiệu nhựa là không có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, các loại này không nên chứa BPA và Phthalate.
Vì một nền tảng sức khỏe và thể lực tốt nhất cho con khi đến tuổi trưởng thành, bất kỳ một lựa chọn nào của bố mẹ cũng nên cân nhắc thật kỹ. Đừng quá nuông chiều con, hãy trang bị những kiến thức khoa học chắc chắn trong hành trình nuôi con khôn lớn.