Một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện của mình rằng con gái của cô lúc nhỏ là một đứa bé khá hoạt bát. Tuy nhiên, càng lớn bé ít nói chuyện với cha mẹ hẳn. Trong suốt kỳ nghỉ hè, cô bé chỉ lên tiếng khi thật sự cần thiết. Ngoại trừ thời gian ăn uống và vệ sinh, hầu hết khoảng thời gian còn lại của kỳ nghỉ, cô bé chỉ ở trong phòng một mình.
Đến khi tựu trường, người mẹ đưa con đến lớp thì cô con gái lại không cho mẹ ở lại lâu, cứ giục mẹ về nhà. Người mẹ thật sự vô cùng bất lực, không biết làm thế nào để cứu vãn tình hình này.
Câu chuyện trên chắc chắn không chỉ có bà mẹ trẻ này gặp phải, thực tế, nhiều cha mẹ cũng phải đối mặt với việc con cái càng lớn càng ít giao tiếp với cha mẹ. Nguyên nhân có thể không phải do trẻ hướng nội.
(Ảnh minh họa)
Quay trở lại người mẹ trẻ ở trên, trong một lần nọ, khi quá bức xúc, người mẹ đã thẳng thắn hỏi con gái, kết quả cô được một câu trả lời của cô con gái: “Mẹ có bao giờ lắng nghe con đâu, vậy thì tại sao con lại phải nói chuyện với mẹ!”.
Người mẹ đứng hình khi nghe câu trả lời. Đến giờ cô mới thật sự hiểu ra, những năm qua mình đã đối xử với con như thế nào.
Các cha mẹ hãy nhìn lại, liệu mình có giống như người mẹ ở trên. Dù cha mẹ không có ý xấu gì khi không lắng nghe con, chỉ là cha mẹ nghĩ con còn nhỏ chưa thể chịu trách nhiệm về những việc làm của mình nên không để ý đến ý kiến của con cái.
Nhưng mong cha mẹ đừng quên rằng, con cũng rất cần được lắng nghe và chia sẻ với cha mẹ. Khi con được tâm sự và được cha mẹ đón nhận những suy nghĩ của bản thân, điều này thực sự tốt cho sự định hướng phát triển cảm xúc và mặt trí tuệ của bản thân con. Nên cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn cho con.
(Ảnh minh họa)
Việc phớt lờ nhu cầu của con cái lâu dần sẽ khiến trẻ tự nhiên khép mình lại và không còn muốn trò chuyện với cha mẹ nữa, bên cạnh đó, cũng khiến trẻ trở nên lệ thuộc vào cha mẹ, không thể tự lập khi lớn lên. Không những thế, cha mẹ nếu cứ thế mà áp đặt những suy nghĩ của mình lên những lựa chọn của con mà không lắng nghe con, trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng và dần dần sinh ra tâm lý tự ti.
Vì vậy, để mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên gần gũi và khắng khít hơn cũng như giúp trẻ ngày càng cởi mở và tự tin, cha mẹ có thể học cách lắng nghe con với những bí quyết sau:
Cho trẻ cơ hội nói lên ý kiến
Để làm được điều này, cha mẹ cần dành nhiều thời gian ở bên con, tâm sự với con để tạo cho con cơ hội nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Cha mẹ hãy lắng nghe ý kiến của con, trân trọng suy nghĩ của con, đừng coi thường và vội dè bỉu ý kiến của con. Trẻ con cần sống với cảm xúc và mơ ước của mình.
(Ảnh minh họa)
Trẻ phát biểu có gì đúng, hay thì cha mẹ nên khen ngợi. Khi con có thắc mắc hãy chia sẻ ý kiến của mình và con có thể thảo luận cùng nhau. Nếu trẻ làm sai điều gì đó, cha mẹ cũng đừng vội mắng trẻ, trước hết hãy lắng nghe trẻ giải thích rõ ràng câu chuyện, hiểu suy nghĩ thật của trẻ rồi hãy đưa ra quyết định.
Không thay trẻ giải quyết vấn đề
Nếu trẻ chưa kịp chia sẻ xong, bố mẹ đã nghĩ ra cách giúp con thì đây không phải cách trò chuyện hướng trẻ cởi mở hơn. Điều quan trọng là phụ huynh hãy kiên nhẫn lắng nghe con chia sẻ mọi điều.
Sau đó, cha mẹ cũng không nên nghĩ cách giải quyết thay mà động viên con tìm cách. Phụ huynh có thể vì quá lo lắng mà sốt sắng giúp con nhưng nếu để trẻ tự làm thì sẽ giải tỏa cảm xúc tốt hơn, học được cách giải quyết vấn đề.
Đối mặt với những vấn đề quan trọng hơn, dù trẻ có còn nhỏ chưa thể tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình, cha mẹ cũng nên lắng nghe suy nghĩ của con rồi hãy quyết định cũng không quá muộn.
Cha mẹ cũng nên học cách quản lý cảm xúc
Khi trẻ chia sẻ điều gì đó khiến cha mẹ lo lắng, hoảng loạn hay bất bình, hãy giữ bình tĩnh. Trong tình huống này, trẻ cần người để chia sẻ không phải để mắng mỏ hay khiển trách. Cha mẹ có thể khéo léo nhắc nhở con sau khi hiểu rõ vấn đề và trẻ được giải tỏa khúc mắc.
(Ảnh minh họa)
Ví dụ, khi trẻ nói "Con ghét cô giáo. Cô quát con trước mặt các bạn", hẳn nhiều phụ huynh sẽ không kìm được mà hỏi: "Sao? Con đã làm gì khiến cô quát con?". Thay vào đó, hãy sử dụng phương pháp đồng cảm như: "Chà điều đó chắc rất xấu hổ. Bố mẹ hiểu con đang thấy rất tức giận với cô".
Nếu cha mẹ muốn nói chuyện với cô giáo hay giảng giải cho con việc làm sai, hãy xử lý sau. Điều quan trọng trước nhất là giúp trẻ giải tỏa cảm xúc và gợi ý cách giải quyết phù hợp.