Cha mẹ đồng hành cùng con đi qua từng giai đoạn của cuộc đời, chẳng hạn như thời kỳ thay răng của trẻ, khi đối mặt với việc trẻ mọc và thay răng sữa thì các bậc cha mẹ khác nhau lại có những cách giải quyết khác nhau.
Một số cha mẹ thường có thói quen ném răng xuống gầm giường, lên mái nhà, thậm chí là vứt bỏ bởi suy nghĩ trẻ thay răng là điều “quá bình thường”. Tuy nhiên, ít ai ngờ trong chiếc răng sữa tưởng chừng vô tác dụng ấy lại có chứa những thế bào gốc tuyệt diệu, có thể cứu nguy cho trẻ nếu mắc phải căn bệnh hiếm gặp.
Vì sao răng sữa có thể cứu sống trẻ khi nguy kịch?
Theo các bác sĩ, một đứa khi tới độ tuổi thay răng sẽ có tổng cộng 20 chiếc răng sữa, nhưng chỉ 12 chiếc (6 răng cửa trên và 6 răng cửa dưới) có chứa tế bào gốc. Ở nước ngoài, việc lưu trữ răng của trẻ thường phổ biến hơn. Nhiều phụ huynh chịu bỏ ra số tiền lớn chỉ để lưu trữ máu cuống rốn và răng của trẻ.
Việc bảo quản các tế bào này có vai trò rất quan trọng, chúng có thể cứu mạng một đứa trẻ nếu chẳng may mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư, bệnh tim, chấn thương tủy sống… trong tương lai.
Trước đó, vào năm 2003, kết quả từ công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Songtao Shi chỉ ra rằng có khoảng 10 đến 20 tế bào gốc có giá trị trong một chiếc răng sữa. Nếu được lưu trữ, các tế bào gốc này có thể sống được khoảng 20 năm. Ngoài ra, tế bào gốc trong răng sữa là một trong những tế bào gốc sinh nở nhanh và mạnh trong cơ thể con người được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo.
Trên thế giới, phương pháp lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa của trẻ đã được áp dụng, vào năm 2013 bé Becca Graham đã được cha mình là một nha sĩ nhổ chiếc răng sữa, trích lấy tủy, gửi đi đông lạnh để lưu trữ.
Điều kiện bảo quản của răng sữa ở trẻ là gì?
Trên thực tế, việc bảo quản răng sữa không hề dễ dàng, cha mẹ chỉ nên tìm đến bác sĩ nha khoa chuyên nghiệp để được hỗ trợ nhổ răng sữa một cách bài bản nhất trước khi có ý định lưu trữ nó. Ngoài ra, để răng lưu giữ được lâu và có thể sử dụng bất cứ lúc nào thì cần phải có những kỹ thuật cụ thể.
Ví dụ phương pháp được sử dụng trong ngân hàng tế bào gốc răng miệng đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên của Trung Quốc là đưa tế bào gốc từ răng sữa của trẻ em vào nitơ lỏng trong tủ đông. Thời gian lưu trữ tối đa kéo dài khoảng 30 năm với chi phí không hề nhỏ.
Nếu trẻ đang ở độ tuổi từ 6 đến 13 tuổi và muốn lưu trữ răng sữa để hỗ trợ trong việc chữa trị một số bệnh nan y về sau thì bạn phải thực sự xem xét chi phí lưu trữ cũng như tham khảo bác sĩ chuyên khoa về cách thực hiện.
Ngoài môi trường bảo quản khắc nghiệt, chi phí bảo quản răng của trẻ cũng rất tốn kém, vì thời gian bảo quản rất lâu, chi phí phát sinh trong quá trình này không phải gia đình bình thường nào cũng có thể làm được. Do đó, tính khả thi của việc có thể được bảo tồn răng sữa cho con đối với nhiều gia đình vẫn còn rất nhỏ.
THS.BS Lương Phạm Hạnh Nguyên - Giảng viên ngành Răng Hàm Mặt - Khoa Y Đại học quốc gia TPHCM, đã chia sẻ những thông tin hữu ích, giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề này.
THS.BS Lương Phạm Hạnh Nguyên - Giảng viên ngành Răng Hàm Mặt - Khoa Y Đại học quốc gia TPHCM.
Vì sao cha mẹ không nên vứt răng sữa của trẻ?
Răng sữa còn gọi là răng trẻ em, răng tạm thời, là bộ răng đầu tiên trong quá trình phát triển ở người và động vật có vú. Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, nói, thẩm mỹ của khuôn mặt và tạo chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này. Việc răng sữa được bảo vệ tốt hay không sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của răng vĩnh viễn mọc lên sau này.
Khi răng sữa rụng, thông thường nó sẽ bị vứt đi. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2003 của Songtao Shi và cộng sự, đã chứng minh tuỷ răng sữa là nguồn tế bào gốc quý giá ở trẻ em vì nó chứa các quần thể tế bào gốc mang các đặc điểm của tế bào gốc trung mô và là chìa khóa của y học tái tạo hiện nay.
Nhiều người cho rằng răng sữa của trẻ chứa tế bào gốc có thể giúp cứu mạng đứa trẻ nếu chẳng may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, vậy tế bào gốc từ răng sữa có thể hiệu quả như thế nào?
Như ta đã biết tế bào gốc là những tế bào không phân biệt có thể biến thành các tế bào cụ thể, khi cơ thể cần. Tế bào gốc có nguồn gốc từ hai nguồn chính: mô cơ thể trưởng thành (não, tuỷ xương, máu và mạch máu, cơ xương, da và gan) và phôi.
Tuỷ răng sữa có chứa các tế bào gốc mang đặc điểm của tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem/Stromal Cell – MSC) là các tế bào đệm đa tiềm năng, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô liên kết bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ; tế bào biểu mô, thần kinh, cơ, phổi, gan, thận...
Ngoài tuỷ răng sữa, tế bào gốc trung mô có thể được thu nhận từ nhiều nguồn khác nhau như tủy xương, mô mỡ, dây rốn trẻ sơ sinh, nhau thai, dịch ối... Ưu điểm vượt trội của tế bào gốc từ tủy răng sữa đó là mỗi người đều có 20 răng sữa và có thể lấy hết một cách tự nhiên mà không cần sự can thiệp nhiều từ y tế.
Theo thống kê, hiện đã có hơn 1.000 công trình nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tuỷ răng được công bố trên thế giới. Trong đó, tế bào gốc từ tủy răng sữa có khả năng biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt để chữa các bệnh về răng (viêm tuỷ răng, viêm nha chu), tiểu đường loại 1, bệnh tim mạch, gan, cơ, xương (tái tạo hộp sọ), thần kinh (bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, thiếu máu não cục bộ, chấn thương tuỷ sống…), giác mạc và chữa lành vết thương trên da.
Cách nhổ răng sữa đúng thời điểm cho trẻ?
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên của trẻ, bắt đầu mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi. Khi đến tuổi thay, răng sẽ tự động rụng hoặc lung lay theo một quy luật tương tự nhau, lần lượt từng chiếc. Lúc này, dưới mỗi chân răng sữa sẽ có một mầm răng vĩnh viễn mọc thẳng lên làm tiêu chân răng sữa. Vì vậy, thân răng sữa phía trên sẽ tự rụng ra để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên.
Các mốc thời điểm thay răng sữa: răng cửa giữa: 5-7 tuổi; răng cửa bên: 7-8 tuổi; răng cối sữa thứ nhất: 9 - 10 tuổi; răng nanh sữa: 10-11 tuổi; răng cối sữa thứ hai: 11-12 tuổi. Tuy nhiên thời điểm thay răng sữa có thể sẽ sớm hơn hoặc trễ hơn tuỳ từng trẻ.
Thông thường, các răng sữa sẽ tự rụng và nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Tuy nhiên, có không ít các trường hợp, răng sữa khi đã đến tuổi thay mà vẫn không tự lung lay và tự rụng đi được trong khi răng vĩnh viễn đã bắt đầu xuất hiện thì cha mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám nha khoa để bác sĩ xem xét phương pháp can thiệp phù hợp cho từng trẻ, từng vị trí răng.
Bởi vì, sự hiện diện kéo dài của răng sữa sẽ khiến cho răng vĩnh viễn mọc sai lệch, hàm răng của bé sau này khó có thể đều và đẹp được. Hơn thế nữa, việc đến bác sĩ nha khoa thường xuyên sẽ giúp cho trẻ có thói quen răng miệng tốt cũng như bác sĩ có cơ hội thăm khám răng mặt toàn diện để chuẩn bị cho trẻ một hàm răng khỏe mạnh và thẩm mỹ về sau.
Cha mẹ nên làm thế nào để lưu giữ tế bào gốc trong tuỷ răng sữa của trẻ trong thời gian dài?
Cha mẹ không thể tự lưu trữ tế bào gốc trong tuỷ răng sữa của trẻ mà cần phải gửi răng tại ngân hàng tế bào gốc. Quá trình thu thập tế bào gốc được thực hiện bắt đầu khi khi lấy răng sữa. Khi lấy răng, nha sĩ phải đảm bảo có chân răng, tủy được bảo vệ nguyên vẹn thì mới nuôi cấy tế bào gốc được.
Răng sữa ngay sau nhổ chỉ có thế tồn tại trong 48h đồng hồ phải lập tức được chuyển vào bảo quản trong môi trường chuyên biệt. Nếu không kịp thời thì tủy nhanh chóng bị mất độ ẩm, thay đổi áp suất thẩm thấu, nhiễm trùng… dẫn đến chết tủy, không tách được tế bào gốc (vài ngày sau khi răng rụng sẽ không còn tế bào sống để lưu trữ).
Vì vậy, các bậc phụ huynh lưu ý khi đưa trẻ đi nhổ răng cần thông báo trước cho cơ sở lưu trữ để có sự chuẩn bị thu thập mẫu kịp thời và đúng lúc. Trong trường hợp đột xuất như răng bị gãy, rụng hoặc nhổ khi chưa có nhân viên đến thu thập, phụ huynh cần thông báo gấp cho cơ sở lưu trữ để được hướng dẫn biện pháp xử lý thích hợp, tuy nhiên khả năng thành công khi tách tế bào gốc sẽ giảm đi đáng kể.
Ở Việt Nam đã có trường hợp trẻ được lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa chưa?
Hiện tại ở Việt Nam chưa có trường hợp trẻ nào được lưu trữ tế bào gốc tuỷ răng từ răng sữa trong khi nhu cầu hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên đã có đơn vị y tế đăng ký loại hình này và dự kiến trong năm 2021 sẽ triển khai. Tôi hy vọng trong tương lai gần nhất các bệnh viện răng hàm mặt sẽ mở dịch vụ thu thập và lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữa.