Theo kinh nghiệm của người xưa, khi một bé sơ sinh chào đời thì người đầu tiên bế bé rất quan trọng, sẽ có ảnh hưởng đến tính cách và tương lai của bé sau này. Các gia đình luôn chọn người giỏi giang, tính tình cởi mở, thậm chí "hợp tuổi" để đón bé.
Những quan niệm này đều không có cơ sở khoa học và thực chất người đầu tiên bế em bé tại bệnh viện sau khi chào đời là bác sĩ, y tá mà gia đình không thể quyết định. Tuy vậy trên thực tế, việc chọn ai là người đầu tiên "đón tay" bé từ y tá cũng khá quan trọng. Không phải theo quan niệm "mê tín" nhưng 3 kiểu người dưới đây không nên là người "đón tay" trẻ sơ sinh kẻo ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như sức khỏe của bé sau này.
Người nghiện thuốc lá
Người hút thuốc lá lâu ngày thì khói thuốc sẽ lưu lại trên quần áo, tay, miệng, tóc và cơ thể họ. Em bé sơ sinh với hệ miễn dịch còn yếu ớt khi tiếp túc với khói thuốc có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các nhà khoa học, trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá nguy cơ bị đột tử ở tuổi nhũ nhi tăng. Lớn lên, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý cơn hen cấp tăng, hen phế quản cao rõ rệt. Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ nhỏ.
Những ông bố hút thuốc lá thường xuyên không nên "đón tay" bé sơ sinh. (Ảnh minh họa)
Người hay ốm hoặc ở trong môi trường nhiều vi khuẩn
Những người hay bị ốm là có hệ miễn dịch kém, trên cơ thể sẽ tồn tại không ít virus, vi khuẩn. Tương tự, những người làm việc trong môi trường nhiều vi khuẩn sẽ không tránh khỏi việc lưu lại chúng trên cơ thể.
Nếu để họ là người "đón tay" bé, các loại virus, vi khuẩn có thể tấn công em bé mới chào đời vốn có sức đề kháng và khả năng miễn dịch còn yếu.
Không chỉ khi "đón tay" mà cả trong những tháng đầu em bé mới sinh, những người đang bị ốm, bệnh tốt nhất không nên đến gần và đặc biệt là bế bé để tránh truyền vi khuẩn và virus.
Người già yếu, khả năng vận động hạn chế
Nhiều gia đình thường để người lớn tuổi nhất trong nhà "đón tay" bé sơ sinh như một cách thể hiện sự kính trọng. Hơn nữa, ông bà nhiều tuổi cũng sẽ có kinh nghiệm và bế em bé thành thạo hơn. Đương nhiên, nếu ông bà có sức khỏe tốt, tay chân còn nhanh nhẹn thì việc "đón tay" bé sẽ rất thuận lợi và hợp lý.
Vậy nhưng nếu người lớn tuổi trong nhà đã yếu, khả năng vận động hạn chế thì cũng không nên để họ bế bé sơ sinh đầu tiên vì có nguy cơ xảy ra trượt ngã, gây nguy hiểm cho cả người đó và em bé. Cùng với đó, người lớn tuổi cũng có hệ miễn dịch kém đi, có thể mang theo mầm bệnh truyền sang em bé.
Người đón bé nên là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có kỹ năng bế trẻ. (Ảnh minh họa)
Tóm lại, khi chọn người "đón tay" bé sơ sinh ở bệnh viện, nên chọn những người có sức khỏe tốt, cẩn thận và tốt nhất là có kinh nghiệm bế trẻ sơ sinh. Những ông bố trẻ mong muốn được là người đầu tiên bế con thì ngay từ khi vợ mang bầu hãy bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt, bỏ thuốc lá nếu từng hút trước đó, đồng thời tìm hiểu và thực hành kĩ năng bế em bé an toàn từ khi vợ chưa sinh.