Song Nhi nhoẻn cười khi Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm Ảnh: U.P
Kỳ tích
Chia sẻ về ca phẫu thuật tách rời hai bé Trúc Nhi- Diệu Nhi, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố cho rằng đây là một “kỳ tích”. Theo Giám đốc BV, về mặt chẩn đoán trước mổ, cả 2 bé đều có tình trạng giãn não thất nhẹ, riêng Diệu Nhi có tổn thương di chứng ở vùng thuỳ trán bên phải. Nhưng về thăm khám, hai bé bình thường mặt phát triển tâm thần vận động.
Một biến cố nữa là Diệu Nhi bị hẹp khí quản bên trái, đây là một thử thách cho vấn đề gây mê, làm sao đảm bảo thông khí cho hai bé. Đây cũng là khó khăn trong giai đoạn hậu phẫu, thở máy như thế nào vì có nguy cơ tắt đàm. Do đó, giai đoạn hậu phẫu phải theo dõi chặt chẽ.
Hai bé chỉ có chung một đại tràng, phần nhiều là của Diệu Nhi. Diệu Nhi có hậu môn, đại tràng… Khi phẫu thuật, bác sĩ phải chia lại cho bé Trúc Nhi. Một phần ruột của bé Diệu Nhi đã được chuyển qua Trúc Nhi. Tuy hai bé có 2 thận, 2 bàng quang rõ ràng nhưng trớ trêu là bàng quang một bên là nhận thận của Diệu Nhi, một bên là thận của Trúc Nhi. Khi mổ, bác sĩ phải tách ra và tái tạo lại hệ niệu cho bé.
“Điều thú vị là khi chích thuốc cho bé Trúc Nhi thì bé Diệu Nhi ngủ trước, chứng tỏ có sự thông nối rất lớn giữa hai bé. Ở vùng chậu, chẩn đoán hình ảnh cho thấy rõ mạch máu thông nối hai bé với nhau” - BS Định cho biết.
Ca mổ bao gồm 93 y bác sĩ từ nhiều BV, trong đó BV Nhi đồng Thành phố có 66 người tham gia. Còn lại là những phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm từ BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Chợ Rẫy, BV Xuyên Á, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Sau đó thành lập các trưởng ê-kip khác nhau về ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, niệu, gây mê, hồi sức... Từ trưởng ê-kip sẽ đưa ra các phương án trong phẫu thuật và thống nhất trong toàn bộ ê-kip. “Ngày 15/7, cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 13 giờ đồng hồ. Đây là kỳ tích của các phẫu thuật viên để đưa các bé từ chỗ nằm dang chân ra trở về bình thường”- Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố nhấn mạnh.
Hai bé Trúc Nhi- Diệu Nhi phải chịu 4 cuộc đại phẫu trên đường tiết niệu, tiêu hóa, khung chậu và tạo hình tầng sinh môn. “Với một đứa bé 7,5 kg mà phải chịu những cuộc mổ lớn như vậy là một thách thức, phải sử dụng giảm đau nhiều. Nhưng cho thuốc giảm đau nhiều thì bé sẽ không thở được, phải thở máy. Nguy cơ nhiễm trùng cũng rất cao. Do đó, hai bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian hậu phẫu và kể cả quá trình tạo hình, tập vật lý trị liệu về sau. Hai bé hiện vẫn còn đang thở máy, hỗ trợ giảm đau. BV đang tập trung toàn lực để chăm sóc hồi sức, chống nhiễm trùng cho hai bé” - BS Định nói và cho rằng đây chỉ mới là thành công bước đầu, giai đoạn hậu phẫu vẫn còn nhiều sóng gió.
Ca mổ chứng minh sự phát triển ngành Y tế Việt Nam
Hôm qua (20/7), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến BV Nhi đồng Thành phố thăm hỏi sức khỏe hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sau gần một tuần tách dính. Phó Chủ tịch nước đã rất xúc động khi bé Diệu Nhi tỉnh táo, giơ tay và cười với bà. “Tôi thực sự hạnh phúc và tự hào khi ca mổ lịch sử tách dính liền hai bé Diệu Nhi, Trúc Nhi thành công tốt đẹp. BV Nhi đồng Thành phố đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự phát triển của ngành Y tế Việt Nam và tâm huyết của bác sĩ Việt Nam với sinh mạng con người” - Phó Chủ tịch nước nói.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng các bác sĩ, điều dưỡng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề này. Bà hy vọng Diệu Nhi và Trúc Nhi sẽ bình phục, trở thành công dân khỏe mạnh, bình thường, trưởng thành sẽ đóng góp cho đất nước. Dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng ê-kip phẫu thuật 50 triệu đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng BV và hai bé 20 triệu đồng tiền mặt cùng những dụng cụ y tế cần thiết. Lãnh đạo Bộ Y tế trao Bằng khen tặng tập thể BV Nhi đồng Thành phố.
“Tôi phụ trách ê-kip cuối cùng khi tách hai bé thành công. Cảm xúc của tôi vỡ òa khi hai bé được tách rời. Giây phút này tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề của mình” - TS.BS Lê Thanh Hùng (Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, BV Nhi đồng 1 TPHCM), Trưởng ê-kip tiết niệu - sinh dục ca phẫu thuật tách song Nhi, cho biết. Theo BS Hùng, may mắn là bước sang ngày hậu phẫu thứ 5, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhi đã bớt, tình trạng lâm sàng khá hơn so với những ngày đầu.
“Đây không chỉ thành công của riêng BV Nhi đồng Thành phố, mà là thành công của ngành Y tế Việt Nam, của BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV Chợ Rẫy... của các nhân viên y tế thầm lặng phía sau. Ðến bây giờ chúng tôi không được phép lơ là, phải cố gắng hơn nữa để thành công này trọn vẹn”.
Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố Trương Quang Ðịnh