Bác sĩ Hà Quang Thành - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, các bác sĩ vừa cấp cứu và xử lý thành công một bệnh nhi 11 tháng tuổi bị lồng ruột khá nghiêm trọng.
Theo gia đình bệnh nhi, trước khi nhập viện 2 ngày, trẻ nôn nhiều, quấy khóc, khóc thét từng cơn sau đó lại tỉnh táo và chơi bình thường. Trước đó, bé chỉ ở nhà, được gia đình chăm sóc bình thường, không di chuyển xa. Trước tình trạng đó, gia đình đã đưa trẻ đến viện khám và điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết, kết quả chẩn đoán trẻ bị lồng ruột cấp tính. Ngay sau đó các bác sĩ đã hội chẩn, chỉ định tháo lồng ruột bằng cách bơm hơi cấp cứu ngay cho trẻ. Sau một ngày trẻ đã ổn định và được xuất viện, đồng thời các bác sĩ tư vấn gia đình cách chăm sóc trẻ tại nhà.
Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.
Bác sĩ Quang Thành cho biết, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Khi trẻ bị lồng ruột, phụ huynh thường chủ quan và nhầm sang các bệnh lý khác như đau bụng, rối loạn tiêu hóa… do vậy sẽ tự điều trị, dễ đưa trẻ đến viện muộn dẫn tới nguy cơ bệnh tiến triển nặng thêm.
Bác sĩ Thành cũng cảnh báo, với các bé có tiền sử đã bị lồng ruột, nguy cơ tái phát rất cao. “Nếu trẻ bị lồng ruột và phát hiện muộn - khi đoạn ruột lồng đã bị chui sâu vào nhau, dẫn tới sưng nề và gây tắc nghẽn mạch máu, hoại tử ruột, nguy cơ nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Để sớm nhận biết trẻ bị lồng ruột, bác sĩ Thành khuyến cáo các bố mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu sau:
- Trẻ đột nhiên bị đau bụng dữ dội, bỏ bú, quấy khóc từng cơn và kèm nôn ói nhiều lần;
- Trẻ bỏ ăn, khóc thét và da tím tái cảnh báo việc các khúc ruột đã bắt đầu lồng vào với nhau;
- Sau đó trẻ có thể tạm thời nín khóc, ăn uống vui chơi lại bình thường. Tuy nhiên khi cơn đau tái phát, trẻ sẽ ưỡn người, khóc ré, bỏ ăn;
- Sau vài giờ, trẻ mệt lả, da dẻ xanh xao, tím tái;
- Trẻ đi phân có kèm theo máu tươi, da và môi khô tái, mắt trũng, người lạnh;
- Tình trạng này tiếp tục đến 24h không can thiệp sớm thì trẻ sẽ tiếp tục bị nôn ói, thở gấp, mạch nhanh, nhỏ, thở nông, ruột bắt đầu bị hoại tử.
Theo bác sĩ Thành, khi trẻ có những biểu hiện bất thường trên và nghi ngờ bị lồng ruột, phụ huynh cần đưa con tới các cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để kịp thời xử lý.
Trong trình chăm sóc trẻ, người lớn không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau khi được điều trị lồng ruột, nên cho trẻ ăn ít một, uống thuốc theo đơn bác sĩ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát để đưa trẻ đến viện khám ngay.