Phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 chiều 15/6 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông – Vận tải..., Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin có quy mô lớn nhất, mức độ rộng nhất trong lịch sử ngành Y với tốc độ nhanh, số lượng nhiều trong thời gian ngắn.
"Việc chuẩn bị các công việc liên quan cho chiến dịch cần thực hiện nhanh chóng, đảm bảo, kỹ càng, sẵn sàng để khi vắc-xin về nhiều thì triển khai tổ chức ngay" – Bộ trưởng nhấn mạnh. Ảnh: Trần Minh
Thời gian qua, song song với việc nỗ lực tìm kiếm, đàm phán vắc-xin COVID-19 từ rất nhiều nguồn, vận động tối đa các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để sớm có vắc-xin cung ứng cho Việt Nam, Bộ Y tế cũng thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước. Đến nay, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn vắc-xin để sớm có đủ 150 triệu theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong chiến dịch này, toàn bộ lực lượng sẽ vào cuộc, trong công tác vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc-xin làm sao đảm bảo chất lượng bảo quản vắc-xin. Ảnh: Trần Minh
Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lần này khác với những lần trước. Bộ Y tế đã có kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng, trong đó chiến dịch có quy mô lớn nhất là tiêm cho 23 triệu trẻ em trong chương trình tiêm vắc-xin sởi – rubella. Chiến dịch lần này số lượng liều vắc-xin cao hơn rất nhiều, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Cũng trong chiến dịch này, toàn bộ lực lượng sẽ vào cuộc, trong công tác vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc-xin làm sao đảm bảo chất lượng bảo quản vắc-xin.
Dự kiến, sẽ thiết lập lên 8 kho bảo quản vắc-xin gồm 7 kho ở 7 quân khu và 1 kho ở Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Khi vắc-xin về sân bay, lập tức sẽ được chuyển về kho các quân khu đã đạt chuẩn GSP. Từ kho tại các quân khu, vắc-xin sẽ toả đi khắp 15.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
"Việc cần làm ngay là phải làm nhanh, thiết lập nhanh những kho chứa vắc-xin như vậy" – Bộ trưởng nhấn mạnh. Hiện Bộ Quốc phòng đã có khảo sát, trao đổi, xây dựng, thiết kế. Bộ Y tế sẽ cung cấp hệ thống dây chuyền lạnh, tập huấn cho lực lượng nhân sự quản trị kho lạnh và kiểm tra đánh giá đạt chuẩn GSP.
Thứ hai, toàn bộ các điểm tiêm chủng lần này sẽ là tiêm chủng trực tuyến, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình tiêm gồm bao nhiêu liều được cấp, sử dụng và bao nhiêu người được tiêm.
"Đây là thế mạnh của chúng ta thời gian qua", Bộ Y tế đã trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông để phát triển, đẩy nhanh ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử cho mọi người dân, đăng ký tiêm qua các hình thức như app, tin nhắn sms. Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vắc-xin về thì sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định các đơn vị trực thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng. Ảnh: Trần Minh
Cùng với đó, tiến hành vận hành hệ thống điều hành tiêm chủng online. Để khắc phục điểm yếu về công nghệ thông tin ở y tế cơ sở, Bộ Y tế đã mời các doanh nghiệp viễn thông đồng hành, ứng dụng V20 với sự tham gia điều hành của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ ba, điểm quan trọng nhất là về tổ chức tiêm tại các điểm tiêm. Trước đây, việc tổ chức giao cho các địa phương, đơn vị. Lần này phải kiểm soát ngặt nghèo vì điều kiện bảo quản, sử dụng của một số loại vắc-xin rất khắt khe.
Quán triệt nguyên tắc "tiêm đến đâu an toàn đến đó"
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn. "Quan điểm của Bộ Y tế là "tiêm đến đâu an toàn đến đó" - Bộ trưởng nhấn mạnh
Cùng với đó, Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Đồng thời, tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở.
Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban Chỉ đạo. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...
Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin.
Đối với các bộ, ngành liên quan khác, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu mối theo đúng mục tiêu đề ra.
"Chúng ta phải đảm bảo toàn bộ quy trình chuyên môn từ vận chuyển, bảo quản đến tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và tiêm là phải an toàn" - Bộ trưởng nhắc lại đồng thời tin tưởng: "Với cách thức triển khai như thế này và có sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lần này".