Tại Hội nghị Khoa học “Y học 4.0 – Những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị” diễn ra chiều 22/1, PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra những vi chất thiếu trong cơ thể mà người dân nước ta hay gặp, nhất là trẻ em khiến trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Theo bà Mai, trong cơ thể các vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ, khi cơ thể đủ các vitamin và khoáng chất sẽ phát huy được hết vai trò cho sự phát triển toàn diện.
Song nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tầm vóc, trí tuệ và là yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
Theo thống kê, mỗi năm có 18 triệu trẻ sơ sinh bị giảm trí tuệ do thiếu i-ốt, 350 nghìn trẻ em bị mù lòa vì thiếu vitamin A.
Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao.
Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là nạn đói tiềm ẩn ở mỗi quốc gia nên đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng đặc biệt quan tâm ở trên thế giới và Việt Nam. Bởi suy dinh dưỡng, thừa cân và béo phì là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính hay gặp có liên quan đến dinh dưỡng như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nguy hiểm hơn là nguyên nhân gây một số bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, thiếu vi chất dinh dưỡng gặp phổ biến ở khắp cả nước, thậm chí gặp nhiều ở thành thị.
6 vi chất dinh dưỡng thiếu phổ biến tại Việt Nam gồm: Vitamin A giúp tăng cường miễn dịch, giúp cho mắt sáng, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ; Sắt: Cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt trẻ em có nhu cầu sắt tăng chiều cao; Acidfolic giúp sản xuất các tế bào mới, ngăn ngừa những thay đổi ở DNA dẫn đến ung thư; Kẽm giúp phát triển xương và trí não; Canxi giúp tạo rang/xương, hình thành hệ xương/rang vững chắc và cần thiết cho phát triển; Vitamin D giúp hấp thu can xi tốt nhất.
PGS.TS. Lê Thị Bạch Mai phân tích, nguyên nhân thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn thiếu vi chất hoặc bệnh lý gây mất vi chất.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, tất cả người dân đều nên được làm xét nghiệm kiểm tra, đặc biệt là trẻ em có dấu hiệu bất thường như: Chậm tăng trưởng, thị lực và trí lực kém, cơ thể mệt mỏi, da xanh, đau đầu, chóng mặt, hồng cầu to.
Theo bà Mai, những thành tựu của y học hiện nay rất dễ xác định tình trạng vi chất ở mỗi người. Khi đi khám dinh dưỡng, người dân sẽ được các bác sĩ dinh dưỡng chỉ định là xét nghiệm vi chất gồm: Xét nghiệm sắt, kẽm, vitamin D…..
Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn hướng bổ sung dinh dưỡng phù hợp để hạn chế hậu quả đáng tiếc do thiếu vi chất mà việc này làm rất đơn giản là bổ sung qua bữa ăn hằng ngày.