Đã có hơn 3,8 triệu người được tiêm vắc-xin COVID-19

Bộ Y tế vừa cho biết, tính đến hết ngày 3/7, tổng cộng đã tiêm được 3.867.407 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Sáng nay (4/7), Bộ Y tế cho biết, tính đến 16 giờ ngày 3/7, tổng cộng đã thực hiện tiêm 3.867.407 liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 là 218.602 người.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Riêng ngày 3/7, có thêm 17.979 người được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng trong đó Hà Nội đã thực hiện tiêm vắc-xin cho 3.591.

Một số tỉnh có tổng số người được tiêm trong ngày rất ít như: Hưng Yên (72), Thừa Thiên Huế (72), Tây Ninh (50), TP Hồ Chí Minh (144).

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không tiêm những loại vắc-xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không được kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế.

HCDC cho biết, tính đến hết ngày 30/6, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM đã đạt 104% so với chỉ tiêu được giao (806.000 liều).

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã cho biết, các nhóm đối tượng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lần này gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp); lực lượng quân đội, công an, hải quan; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, cảng, vận tài, cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, bưu chính viễn thông, xăng dầu, hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho các cơ sở y tế.

Ngoài ra còn có giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; Người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế và các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch: công nhân KCX, KCN, khu công nghệ cao, công viên phần mềm...

Trong chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất này, TP.HCM đã huy động 176 đơn vị gồm 58 bệnh viện công lập từ tuyến Trung ương đến quận, huyện, 59 bệnh viện ngoài công lập, 24 trung tâm y tế, 35 phòng khám đa khoa tư nhân được huy động cử lực lượng nhân viên y tế để thiết lập 1.109 đội tiêm. Mỗi đội tiêm bao gồm 5 nhân sự chuyên môn khám sàng lọc, tiêm vắc-xin, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm.

Sáng nay, Bộ Y tế cũng thông tin về 263 ca mắc COVID-19 trong nước, trong đó TP.HCM có số ca mắc nhiều nhất (217 ca).

Về vấn đề cách ly F1 tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc áp dụng chiến lược này theo hướng dẫn của Bộ Y tế là rất cần thiết. Trong thời gian tới, thành phố xây dựng kế hoạch cách ly F1 tại nhà, có thể sử dụng công thức 14 + 14.

Công thức này có nghĩa là đối với trường hợp F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát tại nơi lưu trú nếu đảm bảo các điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này góp phần giảm tải cho khu cách ly tập trung tại TP.HCM.