Tự sát là vấn đề rất thường gặp, là thách thức lớn cho ngành y tế và toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Một số nước có tỷ lệ tự sát cao như: Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam… Nguyên nhân hay gặp nhất là các rối loạn tâm thần, rồi đến các vấn đề tâm lý xã hội. Có nhiều yếu tố liên quan đến hành vi tự sát.
Khi bệnh nhân có ý định tự sát, nhận thức của họ trở nên thu hẹp như thể thế giới bắt đầu đóng lại trước mắt họ. Cách nhìn nhận thế giới như trong đường hầm, thường xảy ra ở các cá nhân mất đi động lực của cuộc sống. Khi người bệnh tại thời điểm tự gây hại cho bản thân, họ bắt đầu cảm nhận như là họ không còn một lựa chọn nào khác.
Tại Hoa Kỳ, có hơn 31.000 trường hợp chết vì tự sát mỗi năm, trung bình 80 trường hợp mỗi ngày. Có 33% dân số thực hiện hành vi tự sát tại một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời của mình. Tự sát xếp thứ 5 trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở Hoa Kỳ.
Nam có nguy cơ tử vong do tự sát cao gấp 4 lần so với nữ. Tuy nhiên, nữ có toan tự sát (tự sát không chết) cao hơn nhiều so với nam giới.
Bên cạnh tử vong do tự sát, có hơn nửa triệu trường hợp toan tự sát mỗi năm, trung bình 1.300 trường hợp mỗi ngày và 1 trường hợp mỗi phút.
Nguyên nhân chủ yếu của tự sát: 90% là mắc các bệnh lý tâm thần như nghiện chất, trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách hoặc kết hợp các rối loạn khác với nghiện chất (và lạm dụng chất).
Nhân vật Minh trong phim Hãy Nói Lời Yêu đã nghĩ tới tự sát để giải thoát cho mình
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra mối liên quan giữa nguy cơ tự sát và bệnh ung thư, bệnh dạ dày và nhiều bệnh lý khác. Bệnh nhân mắc AIDS có nguy cơ tự sát cao gấp 16 đến 36 lần. Tự sát ở bệnh nhân mắc bệnh cơ thể thường có liên quan đến các bệnh lý tâm thần kết hợp như trầm cảm, nghiện chất và mất trí.
Đánh giá và điều trị trầm cảm, các rối loạn tâm thần khác cũng như điều trị đau ở bệnh giai đoạn cuối giúp bệnh nhân từ bỏ ý định tự sát, lựa chọn cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này.
Các yếu tố nguy cơ của tự sát
Một câu hỏi mở rất quan trọng để đánh giá các tác nhân gây stress, ví dụ: Mối quan hệ của bạn trong gia đình (hoặc trong công việc) như thế nào và sức khỏe của bạn như thế nào?
Cần tìm hiểu về tình trạng trầm cảm của người bệnh: Có bao giờ thấy buồn hoặc cảm giác trống rỗng và các cảm giác này diễn ra ít nhất trong hai tuần vừa rồi, khó vào giấc ngủ và khó giữ giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi và giảm sút năng lượng.
Giảm cảm giác ngon miệng hoặc ăn quá nhiều, mất các hứng thú và sở thích hầu hết các hoạt động. Cảm giác buồn về chính bản thân mình, khó tập trung, cảm thấy sốt ruột, bồn chồn hoặc đứng ngồi không yên, căng thẳng, lo âu và dễ nổi cáu, có cơn hoảng sợ kịch phát gần đây, nghiện chất (rượu, ma túy, cần sa).
Bệnh nhân thường nêu ra các câu trả lời gián tiếp, ví dụ như tôi chán lắm rồi, tôi đang khủng hoảng, tôi không có giá trị gì.
Cần tìm hiểu có ý định tự sát từ bao giờ, có sự việc gì dẫn đến ý định tự sát, ý định tự sát có thường xuyên không, người bệnh có nghĩ rằng mình đang bị khủng hoảng không, có nghĩ rằng cuộc sống không còn ý nghĩa nữa?
Điều gì trong cuộc sống làm người bệnh cảm thấy tồi tệ hơn, điều gì trong cuộc sống làm người bệnh cảm thấy tốt hơn, có kế hoạch kết thúc cuộc đời mình không, khả năng kiểm soát ý định tự sát của người bệnh như thế nào? Có khả năng loại bỏ ý định tự sát hoặc gọi ai đó để giúp đỡ không, điều gì giúp người bệnh ngăn cản ý định tự sát.
Người ta có thể bộc lộ ý tưởng tự sát bằng một số việc làm hoặc lời nói như viết thư để lại, nói lời tạm biệt… Phim "Hãy nói lời yêu", cho chúng ta một ví dụ khá sinh động về vấn đề tự sát!
Thường thì tự sát là kết thúc một quá trình có vấn đề, có ý tưởng và có chuẩn bị (kế hoạch, phương tiện, thời gian, địa điểm…). Có trường hợp hành vi tự sát xảy ra đột ngột, như trong chiến đấu khi không muốn bị đối phương bắt, khi phạm tội bị bắt quả tang, khi bị bức tử… Tuy nhiên, những trường hợp này hiếm gặp.
Khi có một trường hợp tử vong nghi do tự sát, ngoài việc khám nghiệm tử thi, khám nghiệm pháp y, người ta còn kết hợp điều tra nguyên nhân, hoàn cảnh, các yếu tố liên quan để kết luận có phải tự sát hay không và nguyên nhân tự sát là gì!
Điều trị cho những người có ý tưởng và hành vi tự sát như thế nào?
Tự sát là kết thúc của một quá trình có ý tưởng và có chuẩn bị
Các thuốc điều trị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác cần được bắt đầu và duy trì. Nếu bệnh nhân nghiện rượu hoặc các chất gây nghiện khác, bệnh nhân cần được cai.
Khi chọn các thuốc điều trị bệnh nhân có ý tưởng tự sát, nguy cơ của việc sử dụng quá liều để tự sát cần được lưu ý. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng như imipramine, amitriptylin và thuốc ức chế MAO như phenelzine mặc dù có hiệu quả cao nhưng cũng gây ngộ độc ở liều cao và có thể được sử dụng làm phương thức tự sát.
Các thuốc mới hơn như thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin/norepinephrine (SNRIs) có hiệu quả cao và an toàn hơn các thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Bệnh nhân mắc lo âu và mất ngủ kết hợp có thể có hiệu quả điều trị tốt bằng các thuốc có tác dụng an dịu như benzodiazepine. Các thuốc chống loạn thần có thể được chỉ định trong các trường hợp có loạn thần.
Các thuốc chống trầm cảm đều cần thời gian dài để đạt hiệu quả tối đa (thường mất khoảng vài tuần).
Để tránh các biến chứng không mong muốn, bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân về tác dụng phụ cũng như thời gian cần thiết để các tác dụng phụ đó thuyên giảm.
Bệnh nhân cần được giải thích rằng các tác dụng phụ là bình thường và sẽ thuyên giảm theo thời gian.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp tâm lý giải quyết được những vấn đề căn bản của trầm cảm. Gia đình, bạn bè và những người thân khác cần tham gia vào quá trình điều trị.
Liệu pháp tâm lý cần được thực hành và mục đích giải quyết các vấn đề hiện tại. Bệnh nhân được khuyến khích đi cùng chồng/vợ hoặc người nhà bởi vì sự hiểu biết của gia đình có ích cho việc cải thiện của bệnh nhân.
Bệnh nhân trầm cảm thường tập trung vào cảm giác đau bên trong cơ thể. Nghe được thông tin tốt từ người bên ngoài giúp cho bệnh nhân tin tưởng vào hiệu quả của liệu pháp điều trị trầm cảm.
Bệnh nhân nhiễm độc ma túy hoặc loạn thần có ý tưởng tự sát cần được giữ trong phòng riêng và có sự giám sát chặt chẽ liên tục. Nếu bệnh nhân trở nên nguy hiểm, kích động, gây hấn và xung động thì cần có sự có mặt của nhân viên an ninh và cảnh sát.
Thông thường, bệnh nhân nghiện ma túy cần được điều trị dài ngày nên những bệnh nhân này cần được nhập viện hơn là tại phòng giam giữ. Bác sĩ cần kết hợp liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược để giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.