Đây không phải lần đầu tiên Kim HeeChul nhắc đến vấn đề này, trong khi làm MC chương trình Radio Star (Hàn Quốc) năm 2011, anh cũng đã nói rằng mình rất hối hận vì thói quen hút thuốc trong thời sinh viên.
Gần đây, trong tập phát sóng tháng 4 chương trình 20th Century Ramming Song của đài KBS (Hàn Quốc), 1 lần nữa “siêu sao vũ trụ” này nhấn mạnh rằng “Đây là điều hối hận nhất trong cuộc đời của tôi”. Anh cho biết thói quen nghiện thuốc lá, ngày nào cũng hút thuốc khiến anh bị tổn thương phế quản nghiêm trọng, nó từng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc của anh, thậm chí đến giờ vẫn để lại nhiều di chứng.
Kim HeeChul trong chương trình 20th Century Ramming Song: "Đây là điều hối hận nhất trong cuộc đời của tôi!"
Là 1 nam idol nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Hàn Quốc, Châu Á cũng như thế giới, nhiều người khen ngợi anh vì dám dũng cảm thừa nhận sai lầm, đồng thời đây cũng là lời cảnh báo cho người trẻ hiện đại để họ tránh xa thuốc lá. Bởi dù chưa gây ung thư nhưng việc hút thuốc cũng có thể làm tổn thương phế quản hoặc gây ra viêm phế quản mãn tính, nhất là với người trẻ, nó càng dễ để lại những di chứng không thể khắc phục về chức năng của phổi.
Trang web sức khỏe của Đài Loan Health 2.0 dẫn lời bác sĩ Zhou Baiqian, Trưởng khoa Lồng ngực, Đại học Y Đài Bắc cho biết hút thuốc lá càng sớm (khi còn trẻ) càng ảnh hưởng lớn đến chức năng phổi của con người.
Đây không phải lần đầu tiên Kim HeeChul nhắc đến điều hối hận nhất cuộc đời mình
Do các thành phần của thuốc lá sẽ làm tổn thương tế bào biểu bì của khí quản, dù sau này bỏ thuốc thì vẫn để lại nhiều di chứng vĩnh viễn như suy giảm miễn dịch, khí quản nhạy cảm hơn người bình thường, dễ gặp vấn đề về nhai nuốt, nặng hơn có thể gây tắc nghẽn phổi mãn tính và viêm phế quản mãn tính.
Ông cũng cho biết thêm, viêm phế quản cấp tính và mãn tính là 2 bệnh thường gặp ở người trẻ hút thuốc, chúng có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư.
Viêm phế quản cấp tính thường mắc ở những người hút hoặc hút thuốc bị động (người xung quanh hút thuốc và vô tình hít phải) có sức đề kháng kém hoặc nhiễm vi khuẩn, virus dẫn đến ho trong thời gian dài. Triệu chứng của viêm phế quản cấp tính bao gồm ho (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu), sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C, khó thở, tức ngực, nghe tiếng thở nặng hơn bình thường, thở đứt quãng và có cảm giác vướng trong cổ họng. Các triệu chứng này kéo dài ít nhất trên 1 tuần.
Hút thuốc lá càng sớm (khi còn trẻ) càng ảnh hưởng lớn đến chức năng phổi của con người
Còn với viêm phế quản mãn tính có thể kéo dài vài tuần đến vài năm, đa số bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí nghiêm trọng như công trường, xí nghiệp, môi trường nhiều khói bụi. Các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có điểm tương tự với viêm phế quản cấp tính, nhưng có thể phân biệt và được chia thành hai giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Có các triệu chứng ban đầu như cứ trời lạnh hoặc mùa đông là dễ bị ho (ho có đờm hoặc ho khan), ho dai dẳng, nhưng đến mùa hè lại tự hết.
- Giai đoạn 2: Số lần ho tăng lên nhanh, xuất hiện dịch nhầy phế quản do tình trạng đờm tăng, có bọt. Đồng thời, người bệnh sẽ bị sốt dai dẳng trên 38 độ C, không ăn được đồ ăn nóng hoặc quá lạnh.
Theo khảo sát của Đại học Hồng Kông, gần 170.000 người nhập viện do các bệnh đường hô hấp trong năm 2012 khi được phỏng vấn đều thiếu kiến thức về bệnh đường hô hấp và không đi thăm khám bệnh này thường xuyên. Đến khi các triệu chứng rất nặng họ mới đến bệnh viện và do tình trạng đã tồi tệ nên sau điều trị bệnh vẫn để lại nhiều di chứng.
Chính vì vậy, hãy tránh xa thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ; nếu có dấu hiệu tổn thương phế quản hãy đến bác sĩ chuyên môn. Đừng để khói thuốc trở thành “điều hối hận nhất trong cuộc đời” của bạn.
Nguồn và ảnh: HK01, Healthline, Asia One