Mùa dịch phải hạn chế giao tiếp, tránh tiếp xúc với nhiều người… khiến cho người lớn tuổi thường gặp vấn đề gì về sức khỏe tâm thần?
Theo chia sẻ từ PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: "Mùa dịch do phải hạn chế ra ngoài nên người lớn tuổi thường dễ cảm thấy lo lắng, cô đơn, buồn rầu, không có người chia sẻ hay không biết giao tiếp cùng ai. Có 2 triệu chứng thường gặp nhất ở người lớn tuổi lúc này chính là rối loạn trầm cảm và lo âu. Chính từ 2 triệu chứng này sẽ làm trầm trọng thêm những bệnh lý nền mà người lớn tuổi đang gặp phải".
Người lớn tuổi khi ở nhà quá lâu, lại chỉ được tiếp xúc nhiều với thông tin từ mạng hay báo đài nên rất dễ cảm thấy bất an. Điều này sẽ khiến họ liên tục gặp phải tình trạng mất ngủ kéo dài và nếu không tìm ra nguyên nhân để khắc phục sớm thì sức khỏe tinh thần cũng như thể chất cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mất ngủ kéo dài là biểu hiện của rối loạn trầm cảm lo âu. Tại sao lại như vậy?
Nếu thấy người lớn tuổi trong nhà chỉ mất ngủ vài hôm thì chúng ta có thể giải quyết và khắc phục rất đơn giản. Nhưng với những người hay bị lo lắng, buồn rầu quá thì tình trạng mất ngủ kéo dài có thể nghiêm trọng hơn. Hay có những người ở vế đối nghịch, đó là ngủ rất nhiều, ăn rất nhiều, không muốn giao tiếp với người khác... Ở trường hợp này, người nhà cần tìm ra nguyên nhân trong gia đình trước, đồng thời thiết lập lại giờ giấc sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ và loại bỏ các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá. Ngoài ra thì ngâm chân cũng có thể giúp giấc ngủ của người lớn tuổi quay trở lại.
Còn nếu đã làm các biện pháp trên mà vẫn thấy bồn chồn lo lắng thì người nhà nên đưa người bệnh đến những cơ sở y tế chuyên về điều trị bệnh lý của người lớn tuổi để tìm hiểu xem nguyên nhân là do đâu. Tại một số bệnh viện có thể khám với bác sĩ tâm thần để nằm theo dõi, từ đó sẽ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và điều trị hiệu quả.
Nếu phát hiện thấy người lớn tuổi trong nhà có những dấu hiệu lo lắng, căng thẳng như vậy thì con cháu cần phải làm gì?
PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh cho rằng, lúc này cần hỏi chuyện, lân la, tâm tình để giúp người lớn tuổi cảm thấy mình đang được quan tâm: "Có thể hỏi xem ông ơi, bà ơi có vấn đề gì không để nhận biết cốt lõi của vấn đề. Nếu không cải thiện thì có thể đến bệnh viện để được tư vấn với các y bác sĩ có chuyên môn".