Kem chống nắng có thể coi như bước không thể thiếu trong chu trình chăm sóc da của phái đẹp ngày nay. Thiếu kem chống nắng, làn da tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời sẽ gặp tình trạng sạm đen, bong tróc và nhanh lão hóa. Không sử dụng kem chống nắng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thu da. Đợi tới lúc da bị hủy hoại mới chữa trị có lẽ đã muộn.
Biết là cần thiết nhưng không phải chị em nào cũng nắm vững những cách sử dụng kem chống nắng đúng đắn, thông minh. Có ít nhất 4 kiểu dùng tai hại với kem chống nắng khiến tác dụng bảo vệ da suy giảm đồng thời khiến tình trạng da ngày càng xuống cấp.
Nên tránh lặp đi lặp lại, càng sớm càng tốt những cách xài kem chống nắng dưới đây:
Chỉ chống nắng, không dưỡng ẩm
Chống nắng là bước cần thiết để bảo vệ da nhưng không đủ. Muốn có làn da sáng mịn, mềm mại, bạn nhất định không được bỏ qua bước dưỡng ẩm trước khi thoa kem chống nắng. Dù nhiều loại kem chống nắng được quảng cáo có thêm tác dụng dưỡng ẩm, song các bước skincare cơ bản như toner, serum, kem dưỡng vẫn nên được tuân thủ. Lý do là bởi kem chống nắng ngày nay thường được thiết kế chống nước và mồ hôi, dễ khiến da mặt khô hơn bình thường. Ngoài ra, việc kết hợp thêm một số loại serum còn giúp làm tăng khả năng bảo vệ của kem chống nắng, điển hình như serum có chứa vitamin C.
Không làm sạch mặt khi thoa lại kem chống nắng
Kem chống nắng đem lại hiệu quả bảo vệ cao nhất khi được thoa lại sau 2-3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, muốn thoa lại kem, bạn nên làm sạch da mặt bởi ngoài bụi bẩn, dầu và mồ hôi, trên da lúc này thậm chí còn phủ một lớp makeup. Khi thoa kem chống nắng trực tiếp lên lớp da này sẽ dễ khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, đồng thời làm giảm khả năng thẩm thấu của chống nắng. Nếu không có điều kiện và thời gian dùng dung dịch tẩy trang hay sữa rửa mặt, bạn có thể lau mặt bằng một tờ khăn ướt trước khi thoa lại loại kem chống nắng được sử dụng trước đó.
Chỉ thoa kem chống nắng cho da mặt
Da mặt thường là bộ phận được phái đẹp chăm chút hơn cả. Nhiều người thậm chí chỉ thoa kem chống nắng cho khu vực này mà quên mất rằng, các khu vực khác trên cơ thể cũng có thể bị tia UV hủy hoại nghiêm trọng. Da cổ, tai, cánh tay, chân cũng là những bộ phận “tố cáo” tuổi tác nhưng thường bị ngó lơ trong quá trình chống nắng. Do đó, bạn bảo vệ da mặt như thế nào thì hãy bảo vệ các vùng da khác tương tự. Một khi bị cháy nắng hoặc xuất hiện các vết thâm, sạm, các vùng da khác thậm chí rất khó phục hồi bởi thường không có quá nhiều sản phẩm đặc trị dành cho chúng như da mặt.
Dùng kem chống nắng đã mở nắp quá lâu
Cho dù chưa hết hạn sử dụng ghi trên bao bì, kem chống nắng cũng không nên tiếp tục sử dụng sau 6-8 tháng kể từ khi mở nắp. Đây là khoảng thời gian được các chuyên gia khuyến cáo, là thời điểm chất lượng kem vẫn còn nguyên vẹn, không bị biến đổi. Với những loại kem chống nắng khi mở ra thấy mùi khác lạ, đã đổi màu so với màu nguyên bản, bạn nên bỏ ngay hoặc cẩn trọng hơn bằng cách thử với một lượng nhỏ trên da tay, chờ một vài phút để theo dõi tình trạng kích ứng. Theo các chuyên gia, không nên bôi kem chống nắng từ mùa này qua mùa khác, ngay cả khi chúng còn hạn sử dụng. Do đó, bạn đừng quá tham mua những tuýp hoặc hũ kem lớn, vừa khó mang theo vừa khó bảo quản sau khi dùng.