Dâu tằm là loại quả quen thuộc, được nhiều người yêu thích. Khi chín dâu tằm có màu đen sẫm, chua chua ngọt ngọt. Dâu tằm có thể ăn trực tiếp, đem ngâm nước uống, ngâm rượu, làm mứt hay làm thuốc... Mùa thu hoạch dâu tằm thường rơi vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 nên chị em tranh thủ mua về để chế biến nhé.
Quả dâu tằm có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như đường, protein, acid hữu cơ, vitamin B1, vitamin C, carotene, chất chống oxy hóa, chất xơ... Bên cạnh đó, theo đông Y, dâu tằm có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ huyết, nhuận tràng, giải khát...
Dưới đây là cách ngâm nước dâu tằm để pha đồ uống và pha trà của chị Hương Nhím, các bạn có thể tham khảo nhé:
Chị Hương Nhím.
Chuẩn bị:
- Dâu tằm.
- Đường.
- Lọ thủy tinh/hộp sạch.
Cách làm:
Dâu tằm về rửa sạch để thật ráo nước. Lưu ý, dâu tằm khi chín sẽ mềm và dễ nát nên khi rửa các bạn hãy nhẹ tay để hạn chế quả dâu bị dập.
Nếu bình ngâm là lọ thủy tinh thì bạn đem luộc sôi hoặc dội nước sôi vào để tiệt trùng rồi để khô ráo. Còn nếu là hộp nhựa bạn rửa thật sạch, để khô ráo. Dụng cụ ngâm dâu cần sạch để khi ngâm, dâu không bị lên màng hay nhanh lên men.
Tỉ lệ ngâm dâu: Cứ 1kg dây tằm thì sẽ cần 600-700g đường.
Cứ cho một lớp dâu vào lọ thủy tinh rồi rải một lớp đường lên trên. Làm tương tự cho đến hết sao cho lớp cuối cùng là đường.
Sau đó đậy nắp lọ lại, để khoảng 2 ngày là nước dâu chảy ra hết là bạn có thể dùng được.
Nếu bạn ngâm nhiều dâu thì sau 2 ngày, đem lọ dâu cất trong tủ lạnh để dâu không bị hỏng nhé.
Khi uống, chỉ cần pha nước dâu tằm với nước lọc theo khẩu vị, thêm đá lạnh vào là xong.
Cách pha trà dâu tằm:
- 30g trà nhài + 1 lít nước đun sôi ủ 15 phút, bỏ bã thu được cốt trà.
- Pha ra cốc:
Cho 150ml cốt trà thêm 50ml nước lọc. Sau đó vắt nước nửa quả chanh vào. Thêm 1 muôi đầy nước dâu tằm đã ngâm vào. Thêm đá rồi lắc đều.
Đổ ra cốc, thêm 1 muôi quả dâu ngâm vào nữa làm topping là xong.
Giờ chỉ việc tận hưởng hương vị mát lạnh, ngọt ngọt, chua chua thơm thơm của món trà dâu tằm thôi nào.
Chúc các bạn thành công!