Cuộc sống ngày càng phát triển vì thế nhu cầu giao lưu cũng như thay đổi khẩu vị của mọi người ngày một tăng cao. Ngoài những bữa cơm gia đình, nhiều người vẫn thường "đổi gió" bằng những món ăn ở hàng quán. Hơn thế, hàng quán có đầu bếp, sử dụng nhiều loại gia vị hấp dẫn, biến hóa khiến món ăn trở nên khó chối từ. Tuy nhiên, đi ăn hàng, có 3 món dù thích ăn đến mấy bạn cũng nên tránh gọi kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Ốc xào
Ốc xào nguyên vỏ là món ăn được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là những chị em mê ăn vặt. Giá của các món ốc xào không quá đắt nên nó được coi là món bình dân ai cũng có thể đặt mua được. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ốc sống ở bùn đất. Nhất là trong giai đoạn môi trường ô nhiễm nguồn nước ô nhiễm như hiện nay thì ốc cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Để làm sạch được ốc cần tốn rất nhiều thời gian như các khâu ngâm, cọ rửa cho sạch thì khi đem xào mới an toàn. Nhưng với nhiều quán đông khách, ít có thời gian sơ chế ốc sạch sẽ từ trong cho đến ngoài vỏ mà có thể làm rất qua loa.
Với những con ốc xào nguyên vỏ, chúng ta còn thường ngậm con ốc để hút lấy nước sốt. Do đó, nếu không sơ chế sạch, làm nhả hết cả thì con ốc chúng ta ăn vào vô cùng bẩn, thậm chí có cả ký sinh trùng.
Do đó, nếu không tận mắt được nhìn thấy khâu xử lý ốc, chúng ta không nên gọi món ốc xào này.
2. Lòng già lợn
Lòng già của lợn có hương vị vô cùng độc đáo khi chế biến thành các món ăn. Nhiều người thích mùi "thum thủm" có ở lòng già lợn nên không thể dừng ăn bộ phận này. Tuy nhiên, lòng già của lợn là nơi lợn đi đại tiện và chúng sẽ bị nhiễm nhiều vi khuẩn. Nếu không được vệ sinh đúng cách, chúng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa của con người khi ăn.
Do quỹ thời gian có hạn nên lòng già ở nhiều nhà hàng thường không được sơ chế kỹ, sau đó dùng một số phương pháp để khử mùi, và dùng nhiều gia vị để che mùi khi nấu. Vì vậy, các bạn thích ăn lòng già thì tốt hơn hết là nên mua về tự chế biến, rửa sạch cẩn thận khi rảnh rỗi để yên tâm thưởng thức.
Cách sơ chế lòng già lợn như sau:
Trước hết, khi mua lòng già, cần chọn phần lòng ngon, đừng nên chọn khúc to qua. Lòng già sau khi mua về đem rửa sạch với nước. Lộn mặt bên trong lòng già ra, dùng nước rửa cho sạch sẽ rồi lộn lại, để lòng vào âu to.
Thêm bột mì và một bát giấm trắng vào, dùng tay vò nhẹ cho hết chất nhầy. Mục đích của việc dùng bột mì để rửa lòng vì bột mì có thể hút hết tạp chất. Còn giấm trắng cũng có thể loại bỏ được mùi hôi đặc trưng của lòng già. Nếu bạn vẫn còn ngửi thấy mùi hôi, lộn mặt trong ra, cắt bỏ hết phần mỡ bên trong của lòng già, chà sạch rồi rửa lại bằng nước.
Theo cách xử lý này, bạn có thể rửa sạch hết chất nhầy, bẩn cặn của lòng già, mùi hôi giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn thấy còn mùi hôi, hãy cho lòng già vào nồi, thêm nước lạnh, cho vài lát gừng, ít tiêu sọ, hành lá và rượu nấu ăn, đun sôi 5 phút rồi vớt ra. Đảm bảo lòng già vừa sạch lại thơm ngon.
3. Đầu vịt
Đầu vịt là một trong những món ngon của dân nhậu. Đầu vịt vẫn có thịt rất thơm, lại có phần óc ngọt, xương sau khi nướng hoặc luộc cũng giòn và mềm, dễ ăn. Tuy nhiên vịt vốn là con vật thích ăn bẩn, rỉa thức ăn dưới đất nên đầu tích tụ nhiều kim loại nặng, thậm chí có cả giun sán. Nếu không biết cách sơ chế, đầu vịt rất bẩn, do đó bạn không nên gọi món đầu vịt khi ăn hàng.
Nếu vẫn đam mê, bạn nên tự mua đầu vịt về sơ chế. Trước tiên rút lưỡi vịt rồi bóp với muối cho sạch. Cho muối rửa sạch khoang miệng vịt. Tốt nhất nên bỏ mắt vịt vì bộ phần này hay chứa nhiều giun sán.