Mướp đắng (còn gọi là khổ qua), thuộc họ bầu bí, là loại quả có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí,… Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng... Mướp đắng còn rất nhiều công dụng khác nữa tốt cho sức khỏe.
Mùa hè mướp đắng được bày bán rất nhiều. Với tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên mọi người thường hay mua mướp đắng về nấu ăn. Mướp đắng có thể ăn sống với ruốc, làm nộm gỏi, xào, hầm, nấu canh, nhồi thịt hấp... mà món nào cũng ngon và hấp dẫn.
Tuy nhiên, chính vì có vị đắng mà không phải ai cũng ăn được loại quả này. Do đó, đầu bếp đã mách một cách giúp bạn khử đi vị đắng của nó vô cùng hữu hiệu là sử dụng một nguyên liệu quen thuộc không phải ai cũng biết - mật ong.
Cách làm cụ thể như sau:
- 2 quả mướp đắng
- Muối, mật ong, giấm trắng
Cách làm:
Bổ đôi quả mớp ra, bỏ ruột và nhớ cạo sạch phần trắng vẫn còn bám xung quanh trong lòng quả mướp đắng. Vì phần trắng này là nguyên nhân gây ra vị đắng chủ yếu của nó.
Sau khi mướp đắng được rửa sạch, đem thái lát vừa ăn.
Cho mướp đắng vào ngâm trong chậu nước sạch. Sau đó cho một vài giọt mật ong vào. Mật ong giúp bạn có thể loại bỏ vị đắng của quả mướp đắng.
Sau đó đun sôi một nồi nước, thêm chút muối tinh, một ít giấm trắng và thêm 1 ít mật ong vào. Cho mướp đắng vào chần nhanh trong 30 giây. Mục đích của việc này là để loại bỏ hiệu quả vị đắng của mướp, đồng thời làm mướp đắng sau khi chần có màu sắc xanh đẹp hơn. Muối còn ngăn ngừa mất vitamin có trong mướp.
Sau khi chần xong, cho ngay mướp đắng vào chậu nước lạnh cho nguội. Việc ngâm hoặc xả mướp đắng bằng nước lạnh sau khi chần xong là để làm nguội nó, tránh nó bị úa vàng vì vẫn còn nóng do chần nước.
Như vậy khâu khử vị đắng của mướp đã xong, giờ bạn chỉ việc thoải mái xào nó với nguyên liệu mình thích thôi.
Chúc các bạn thành công!