Phương Linh là nữ ca sĩ nổi tiếng từ những năm 2000, được khán giả yêu thích với nhiều bản hit, đặc biệt là những khúc hát song ca cùng Hà Anh Tuấn như Cơn mưa tình yêu, Ngày hát đôi, Qua đêm nay... Ở tuổi 38, tình cũ Hà Anh Tuấn vẫn độc thân, cô kín tiếng, thi thoảng mới cập nhật cuộc sống đời thường trên mạng xã hội.
Hiếm khi khoe nấu ăn nhưng mới đây, giọng ca sinh năm 1984 lại thoải mái chia sẻ về món ăn tâm đắc nhất của mình. Cô tâm sự: "Tớ chỉ muốn ăn xôi gấc mẹ nấu và cháo gà rũ rượi của ba nấu mà thôi - là thả 1 con gà ngon vào nồi áp suất, vẩy vài nắm gạo vào, ninh tới khi na nói được là được - là gắp cái đầu gà lên, thì từng mảng từng mảng thơm tho rơi lã chã rụng rời xuống nồi cháo loãng. Thơm ngon đến từng tế bào. Còn xôi gấc của mẹ đúng điệu ngon nhất quê hương Thanh Hóa".
Nữ ca sĩ Phương Linh hiếm hoi chia sẻ về việc nấu ăn, tự hào 2 món cô thích nhất được bố mẹ thường làm.
Người đẹp U40 cũng nhiệt tình hướng dẫn chi tiết cách làm 2 món này cùng một lúc để ai cũng có thể học theo chiêu hay cô tiếp thu được từ bố mẹ ruột của mình.
Phương Linh bày chiêu làm món cháo gà "rũ rượi" và xôi gấc với cách hướng dẫn vô cùng tếu táo:
Nữ ca sĩ cho biết: Gạo nấu cháo và gạo hấp xôi là 2 loại khác nhau hoàn toàn. Xôi là nếp cái hoa vàng. Gạo rang se se nấu cháo là gạo ăn cơm.
Bước 1: Đong gạo theo cảm tính, rửa gạo bằng cảm nhận, và ngâm gạo qua đêm. Sáng hôm sau thì được 1 rổ gạo như này. Cũng thêm vài hạt muối hồng nhé.
Cô dùng nếp cái hoa vàng để nấu xôi, mua 1 bịch 2 cân với giá 160.000 đồng ở chợ. Nữ ca sĩ cho biết: "Em này đạt 5 điểm thôi, chưa đủ dẻo. Ở thành phố lớn nhưng lòng luôn thèm đồ quê. Nếu được nếp cái hoa vàng xịn thì trúng số độc đắc. Xưa ba mẹ hay ngâm rượu dịp Tết bằng nếp cái hoa vàng".
"Gạo này nếp cái hoa vàng, nhưng không phải loại thượng hạng, kiểu lai rồi. Nếp cái hoa vàng, hạt gạo phải tròn mây mẩy như mông Phương Linh kia - Mẹ bảo thế", cô hài hước. Nữ ca sĩ cho rằng: "Muốn ăn gạo nếp cái hoa vàng phải đặt ở miền núi, chứ Sài Gòn hoa lệ này thì đâu ra".
Bước 2: Rang gạo với hành tím bổ đôi, cho se se thôi, lúc này đã dậy mùi. Cô cho hay: "Gạo này là gạo nấu cơm nhưng thơm. Vì mình không nấu nướng mỗi mỗi ngày, cho nên là gạo được mua ở chợ theo kiểu: Mua 1 cân để trong tủ bếp dành cho việc phong thuỷ: Gạo - nước - lửa. Không biết nó tên gì luôn nhưng ngon".
Cùng lúc đó, nửa con gà được rửa muối sạch sẽ, lấy dao khứa vào từng khớp để dễ cắt được từng miếng. "Gà này là gà tre - thịt chắc ngon, và rất tanh khi chưa chế biến, nhưng khi nằm mấy phút trong nồi áp suất rồi thì ôi thôi là thơm loạn cả cái chung cư - khiến người chăm chỉ nhất cũng không làm được việc vì thấp thỏm.
Thêm vài hạt muối hồng thôi nhé! Gạo cũng trút vào luôn, và bật nồi chế độ nấu gà, nồi áp suất điện tự căn chỉnh thời gian - tự quyết - mình thì quay lưng làm việc khác", nữ ca sĩ bật mí.
Bước 3: Sơ chế gấc để làm xôi: "Quả gấc hơn 100 nghìn đồng, dùng 1 nửa, 1 nửa đem cất bảo quản. Quả gấc nhìn thì hơi giống quả mít bé nhưng khác cái màu đỏ dễ thương, bổ ra thì xinh ơi xinh. Gấc này chắc là gấc lai thôi chứ làm gì mà được như gấc xịn ở quê nhưng quý lắm rồi, giá cả lại rất hợp lí nữa chứ.
"Và thế là đỏ trắng kết hợp. Bạch Tuyết chứ ai - chính là nàng. Da trắng như gạo nếp. Môii đỏ như thịt gấc. Và tóc đen như hạt gấc", người đẹp hóm hỉnh.
"Tạo ra một hỗn hợp màu lổn nhổn đáng yêu này. Lúc trộn gạo với gấc là thích nhất - như chơi đồ hàng", Phương Linh khoái chí.
Bước 4: Đồ xôi. Cô dùng xửng hấp 3 tầng tím được tặng dịp hết năm cũ. Nữ ca sĩ tiết lộ: "Tớ sử dụng nhiều lắm, hấp rau củ siêu nhanh nhẹn, lần đầu tớ hấp xôi , lại là xôi gấc món yêu thích nữa chứ".
Nữ ca sĩ cho biết hấp quá nhanh, quá chất lượng, không quá 10 phút. Khi cô lựa ăn trước cái thịt gấc dính xôi và thốt lên: "Eo ơi là bếu, ngậy, cảm giác thú vị vì ăn cả cái màng mỏng xong nó lộ ra cái hạt màu đen thui - Xưa bé hay giữ lại hạt gấc lắm mà chẳng hiểu để làm gì luôn á".
Bước 5: Hoàn thành nồi cháo: Cùng lúc đó nồi cháo gà đã hoàn thành sau hơn > 20phút. Lúc nhấn xì hơi áp suất của nồi mà nữ ca sĩ không thể kiềm lòng được và ví nó thơm hơn cả nước hoa.
Cuối cùng là thưởng thức: Cô khoái chí muốn ăn hết nồi cháo và cho hay: "Tớ nấu nồi cháo gà rất rất nhạt, mục đích là để khi múc ra bát tô ăn thì chan thêm muỗng nước mắm quà quê Thanh Hóa của cô bạn gái gửi vào cho. Nước mắm chai nhựa không nhãn hiệu, kiểu gia truyền và chỉ bán cho người nào biết í chứ không kiểu kinh doanh thương hiệu rộng rãi.
Nước mắm này trong quê nhà tớ dùng - nếu tiết kiệm thì chỉ dùng để chấm thôi nhưng ba tớ dùng luôn cho việc kho nấu vì nó quá khẳm, quá ngon đi không dứt ra được. Nước mắm phải khẳm nhé, chứ không thơm. Thơm là dởm rồi, hí hí. Năm ngoái tớ đặt cho nhà ba mẹ 20 chai".
Với xôi gấc, Phương Linh cho rằng: "Ăn bốc, vo vo lại bằng tay rồi chấm với nước mắm. Nó khăm khẳm mùi mắm quyến rũ, với em xôi gấc thanh thuần này, chiến thắng tất cả ý chí cắt giảm tinh bột. Chấm xíu xiu nước mắm thôi kẻo nhanh hết. Đã ăn nước mắm quê Thanh Hóa thì chả ăn được nước mắm đâu nữa. Thật. Nó ám ảnh dai dẳng hơn mối tình đầu", cô bày tỏ.
Tham khảo thêm cách nấu xôi gấc truyền thống dẻo ngon, không bị nát, màu đỏ đẹp mắt: Nguyên liệu làm xôi gấc - 1 quả gấc chín - 1kg gạo nếp ngon - 1 thìa cà phê muối - 2 thìa canh đường kính trắng - 2 thìa canh rượu trắng - ½ thìa canh dầu ăn - Dụng cụ: Nồi hấp Ảnh: Min Chu Các bước nấu xôi gấc ngon Bước 1: Ngâm gạo nếp - Gạo nếp vo nhẹ rồi rửa sạch sau đó đổ gạo vào một chiếc âu lớn, tiếp theo bạn đổ nước lạnh vào âu đến khi ngập mặt gạo, để ngâm khoảng 6 - 7 tiếng. Sau đó xả lại với nước rồi để ráo. Chú ý: - Nếu nấu xôi gấc vào buổi sáng thì nên ngâm gạo từ chiều hôm trước. Nếu nấu buổi chiều tối thì ngâm gạo từ sáng sớm. - Nếu muốn rút ngắn thời gian ngâm gạo, bạn có thể ngâm bằng nước ấm khoảng 50 đến 60 độ trong 4 tiếng là được. Bước 2: Lấy thịt gấc - Gấc chín bổ đôi, dùng thìa lấy hết phần thịt gấc vào bát, bỏ phần vỏ. - Tiếp theo, cho 2 thìa canh rượu trắng vào bát thịt gấc vừa lấy rồi đeo bao tay vào, bóp nhẹ để tách phần thịt gấc ra khỏi hạt. - Loại bỏ phần hạt đen, giữ lại thịt gấc đỏ để nấu cùng với gạo nếp thành món xôi gấc. Bước 3: Trộn gấc với gạo nếp Cho hết phần thịt gấc vừa lấy xong vào gạo nếp rồi thêm vào 1 thìa nhỏ muối sau đó dùng tay đảo đều cho gấc quyện đều vào gạo. Lúc này, gạo cũng đã có màu đỏ. Bước 4: Nấu xôi gấc Khi nấu xôi gấc, có 2 cách để nấu là hấp xôi và nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện, bạn có thể chọn 1 trong 2 sao cho phù hợp Cách hấp xôi gấc cách thủy (Cách đồ xôi gấc) - Đổ nước vào nồi hấp cách thủy, mực nước bằng ⅓ chiều cao nồi là được. Tiếp theo cho phần gạo nếp đã trộn với gấc vào xửng hấp. Bật bếp hấp trong 30 đến 45 phút là xôi chín. Khi thấy xôi đã chín mềm, dùng đũa xới đều xôi cho tơi xốp. - Bạn cho thêm 2 thìa canh đường trắng vào trộn đều lên. Để tạo độ bóng đẹp cho xôi gấc khi nấu xong, ta cho tiếp ½ thìa canh dầu ăn vào, trộn lên rồi hấp tiếp xôi thêm 10 phút nữa. Khi thấy xôi gấc đã chín mềm và dẻo, nhấc xửng ra khỏi bếp. Cách nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện không bị nát Cho toàn bộ gạo nếp đã ướp gấc vào nồi cơm điện. Đổ nước xâm xấp mặt gạo (nếu là gạo đầu mùa thì đổ nước dưới mặt gạo) rồi bật nút "Cook" nấu xôi. Khi xôi chín mềm và nồi nhảy về nút "Warm" thì rưới thêm một thìa canh dầu ăn vào. Đậy vung lại và bật lại nút cook, khi nồi cơm bật lại chế độ Warm là được. Lưu ý: Nấu xôi gấc bằng nồi cơm điện không cần đảo xôi, đảo xôi có thể sẽ khiến xôi bị nát. Hoàn thành làm xôi gấc - Xôi gấc đã chín, để nguội bớt rồi đảo đều nhẹ tay. Xới xôi ra đĩa hoặc khuôn tạo hình cho đẹp và có thể thưởng thức. - Cách nấu xôi gấc ngon và đơn giản, xôi dẻo và thơm, màu gấc đỏ đẹp vô cùng hấp dẫn. |