Sau bộ phim Hoa hồng trên ngực trái, nữ diễn viên Diệu Hương đã sang Mỹ định cư cùng chồng con. Mới đây, cô hồi hương và liên tục chia sẻ "Nhật ký đi về nhà" của mình. Trong đó, không chỉ có những cuộc gặp gỡ với người thân, bạn bè, nghệ sĩ mà Diệu Hương còn hào hứng khoe những bữa ăn của mình khi trở lại quê hương.
Đặc biệt trong đó có những bữa ăn mà mẹ cô để phần cho con gái. Chẳng có gì là xa hoa, toàn những món thân thuộc nhưng đem lại cho "nàng San San" nhiều cảm xúc. Cô vốn yêu thích ẩm thực Việt, khi ở Mỹ, nữ diễn viên cũng thường xuyên nấu những món quê nhà.
Nữ diễn viên đảm đang Diệu Hương và chồng trở về Việt Nam sau thời gian sinh sống tại Mỹ. Những ngày đầu về nhà, cô được người thân, bạn bè chiêu đãi nhiều món ngon.
Nhưng xúc động nhất vẫn là mâm cơm được mẹ ruột đề phần. Cô chia sẻ: "Về ăn cơm mẹ nấu! Cơm mẹ ngoại đợi lúc 2h chiều".
Trước đó, diễn viên "Hoa hồng trên ngực trái" cũng khoe bữa cơm "mẹ ngoại để phần" với các món hết sức dân dã như thịt kho trứng, rau ngót nấu thịt, rau muống, bắp cải cuốn thịt, đậu rán và lần nào cũng có một bát cà muối.
Một món ăn khiến Diệu Hương phải thưởng thức ngay khi đặt chân về Việt Nam, đó là phở: "Phở lõi đêm sau chuyến bay dài".
Người đẹp sinh năm 1985 cũng không bỏ qua món phở gà thân thương đậm hương vị của Thủ đô và thổ lộ: "Hà Nội trong em là..."
Lúc ở Mỹ, Diệu Hương nhớ phở và cũng tự tay làm tô phở ngay ở xứ người. Cô cho biết rằng: "Ngày trước, gia vị đặc trưng như quế, hồi, thảo quả mình thường gửi sang cho chị nhưng giờ chợ Á bên này đầy đủ rồi cả nhà ạ. Khu mình ở không có người Việt, cuối tuần vừa rồi chị đưa xuống chợ Á cần gì cũng có và kiều bào mình quý người lắm, thân thương lắm!"
Cô còn làm món cháo ấm vị quê hương trên xứ sở cờ hoa và thổ lộ: "Em mời cả nhà ăn cháo hến bà Bòng Cali nha hihi".
Bữa lẩu cua ngày mưa "đúng phong cách nhà có gì ăn nấy" mà Diệu Hương cùng các con vào bếp trước khi về Hà Nội.
Tự làm bún đậu và còn trình bày rất bắt mắt, nữ diễn viên chia sẻ: "Cái món ăn quá đỗi bình thường ở nhà thì sang đây dù cố gắng ở mức phi thường ta vẫn chưa thể có được món ngon hoàn hảo. Khi bên cánh mũi phập phồng mùi thơm của rau húng chó ấy là khi thật sự thèm món lòng rùi đó phải không cả nhà".
"Cũng dồi tiết, dồi sụn, cũng tràng, cũng dạ dày quế, cũng lưỡi, cũng tim cũng gần đủ cả. Món đậu phụ cố gắng 1 hồi thì cuối cùng cũng được giòn giòn sôm sốp giống bún đậu nhà người ta. Cũng bộ đĩa mang từ Việt Nam qua để vẫn luôn thấy thân thuộc nơi căn bếp của mình. Mời cả nhà bún đậu cô Bòng Carlsbad", cô tiết lộ.
Món cà pháo muối đơn giản nhưng luôn làm thổn thức những người xa quê như Diệu Hương. Bạn có thể tham khảo cách làm cà muối miền Bắc giòn ngon như sau: Nguyên liệu - Cà pháo tươi: 1kg (Chọn mua cà pháo tươi, trái đều nhau, không quá non cũng không quá già) - Ớt: 10 quả - Tỏi: 3 củ - Gừng: 1 nhánh - Riềng: 1 củ - Gia vị: Muối, đường - 1 dụng cụ đựng: hũ, âu, khay đựng… Cách thực hiện Bước 1: Phơi cà - Trước khi muối, để cà giòn hơn, bạn có thể đem cà phơi ngoài nắng chừng 2 tiếng hoặc để ở nơi mát khoảng nửa ngày - Khi cà đã héo, bạn tiến hành cắt sạch cuống cà. Lưu ý không nên cắt sát cuống cà. - Ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 30 phút để diệt khuẩn và loại trừ độc tố. Lưu ý: Cà pháo sau khi cắt cuống phải cho ngay vào nước muối để không bị thâm đen phần cuống. Nếu bạn muốn cà nhanh chín thì có thể khía quả, hoặc nhanh hơn là bổ đôi cả quả. Bước 2: Sơ chế gừng, tỏi - Tỏi: Bóc vỏ, đập dập. - Ớt: Bỏ cuống, rửa sạch, thái lát vừa. - Gừng: Cạo vỏ, rửa sạch, thái chỉ. - Riềng: Rửa sạch, thái lát dày vừa phải - Hũ đựng: Rửa sạch, để khô ráo, hết nước Bước 3: Cách muối cà giòn ngon - Làm phần nước muối cà: Bạn tiến hành đun sôi 1 lít nước cho thêm 1 thìa đường, 3 thìa muối. Để nguội khoảng 30 độ C là vừa, nếu muốn cà nhanh chín bạn có thể cho thêm chút nước mắm. - Cách cho các nguyên liệu: Bạn nên để 1 phần tỏi, riềng, ớt xuống đáy hũ đựng. Sau đó cho một nửa phần cà muối. Tiếp đến thêm nốt phần tỏi, riềng, ớt lên trên. Và cuối cùng cho phần cà cuối cùng vào hũ. Thực hiện điều này để đảm bảo các nguyên liệu ngấm đều vào quả cà, đảm bảo được hương vị. - Đổ nước: Thao tác cuối cùng là bạn đổ nước muối cà. Chú ý là phải đổ ngập quả cà để tránh tình trạng bị thâm đen, không ngấm được nguyên liệu gia vị, tránh váng. - Nén cà: Để cà không bị thâm, giòn thì ta phải nén cà cho ngập nước. Nếu hũ đựng nhỏ thì ta có thể sử dụng 1 chiếc đĩa vừa miệng đặt lên trên hay dùng 1 túi bóng đầy nước buộc kín. Với các loại hũ to thì ta dùng phên tre đặt lên trên và cho viên đá quậy nén trên cùng. Bước 4: Bảo quản và sử dụng Hũ cà muối khoảng thời gian từ 3-5 ngày là có thể dùng được. Khi lấy sử dụng bạn không nên khuấy mà nên lấy từ trên xuống. |