Chị Nguyễn Huyền Trang (32 tuổi) đang cùng chồng và 2 em bé Sóc (4 tuổi) và bé Ben (2 tuổi) sống tại Vương quốc Bỉ. Nếu như bé Sóc có niềm đam mê với ẩm thực thì bé Ben lại là đứa trẻ rất khó hợp tác trong ăn uống. Thuyết phục nhiều lần không thành công, chị Trang nảy ra ý định chế biến các món ăn nhiều màu sắc, bắt mắt giúp con hào hứng với chuyện ăn uống.
Chị Huyền Trang đang làm mẹ của 2 bé trai đang độ tuổi mẫu giáo.
Con khó ăn, mẹ nảy ra ý tưởng chế món ăn giống như tranh vẽ
Theo lời chị Trang, bé Sóc của gia đình rất khó ăn, hầu như không ăn gì nếu mẹ không ra sức thuyết phục, đặc biệt hai bé đều không thích ăn rau xanh. Chị đã thử các phương pháp ăn dặm kiểu nhật hay kiểu truyền thống cho con nhưng bé vẫn từ chối không ăn. Tuy nhiên bé lại rất yêu thích đọc sách, có thể đọc sách cả ngày từ lúc ngủ dậy đến khi đi ngủ.
Mỗi lần đọc truyện cho con thấy con hào hứng với các nhân vật, hình dạng, màu sắc nên chị Trang nảy ra ý tưởng: Tại sao không thử chế biến đồ ăn thành các bức tranh mô tả câu chuyện bé đã được đọc trong ngày nhỉ? Biết đâu con sẽ hào hứng mà hợp tác hơn. Và đúng như vậy, khi đưa cho con đĩa cơm có các món ăn chế tác theo các nhân vật truyện tranh, cây cỏ, hoa lá, con vật và hai mẹ con cùng nhau đọc và kể về bức tranh thức ăn đó thì con hào hứng vô cùng.
Mẹ 8X chia sẻ: “Mỗi khi cho con ăn những đồ chế biến cây cối nhiều sắc màu, mình hay minh họa với con hài hước thế này; “Mẹ chỉ vào cái cây làm bằng rau broccoli và bảo Ben ơi cái cây này thần kỳ lắm nhé, nếu con ăn nó con sẽ cao lớn và bay được lên cung trăng chơi với chú cuội này. Hay con xem em chó cún này, ăn thịt xong nó khoẻ lắm, nó tự chạy ra được công viên chơi với các bạn đó, con có nhớ cái công viên mẹ dẫn con đi có nhiều đồ chơi vui lắm không?... Cứ vậy con cũng ăn tốt hơn lúc trước. Thậm chí có lúc hứng lên còn xin thêm”.
Theo chị Trang, việc chế biến đồ ăn đa dạng sắc màu, hình dạng cũng giúp các bé có tinh thần vui vẻ khi ăn giúp cho hệ tiêu hoá làm việc tốt. Ngoài ra nó còn làm tăng trí tưởng tượng phong phú, đa dạng về sự vật, hiện tượng, thế giới quan xung quanh cho bé. Đó là lợi ích rất quan trọng trong những năm tháng đầu đời phát triển trí não.
Chế biến đồ ăn từ nguyên liệu tự nhiên
Đồ ăn của con chị Trang chế biến từ nguyên liệu tự nhiên là chính. Nấu bữa nào ăn bữa đó, không nấu trước quá lâu vì như thế sẽ làm giảm chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Chị thường luộc và hấp đồ ăn cho con, hạn chế đồ nướng, rán. Gia vị thường sẽ làm nhạt hơn chút để các con quen với việc ăn nhạt, tránh thói quen ăn mặn có hại cho sức khoẻ.
Sau 2 tuổi để tăng cao sức đề kháng cho con và giúp con có thói quen ăn uống đa dạng mai sau. Chị hay cho thêm các loại gia vị như gừng, tỏi, thì là, hành tím, rau mùi cho vào chế biến cùng. Nó làm tăng hương vị và dinh dưỡng của món ăn, nhưng chỉ cho lượng nhỏ để mang tính làm quen là chủ yếu.
Sáng nào các con chị cũng uống một cốc nước lọc ấm pha mật ong có tác dụng làm sạch ruột và tốt cho cổ họng. Đặc biệt trong mùa dịch cúm thì chị hay cho thêm một ít tỏi băm thật nhỏ vào cháo ngũ cốc của bé ăn buổi sáng có tác dụng phòng bệnh rất tốt.
Trong các tác phẩm đồ ăn mà chị Trang chế biến, các loại màu trang trí thức ăn chị làm từ nguyên liệu tự nhiên không dùng phẩm màu thực vật. Ví dụ màu vàng từ saffron (là một loại gia vị được sản xuất từ nhuỵ hoa của cây nghệ tây) hay bột nghệ, màu xanh lá cây từ rau cải bó xôi, màu tím từ bắp cải tím, màu da cam từ củ cà rốt, màu đen từ lá rong biển, màu đỏ từ củ dền.... Việc sử dụng màu từ các loại củ quả khi chế biến đồ ăn sẽ làm tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn hơn.
Sáng các bé được ăn cháo ngũ cốc với 3 loại rau củ, thịt, hải sản tuỳ bữa kèm một cốc nước cam. Như thế đảm bảo năng lượng cho cả ngày vì trưa ở lớp các bé thương ăn ít hoặc không ăn. Chị Trang luôn cố gắng tìm tòi trên mạng công thức nấu các món ăn Việt và Âu để hạn chế việc ra ngoài ăn.
Nói về chi phí chế biến món ăn bắt mắt cho các con, mẹ Việt ở Bỉ cho hay, chi phí cho các món ăn của bé không nhiều vì trước khi lên kế hoạch làm bức tranh nào cho bé chị sẽ cân đối với các món ăn của bố mẹ. Nguyên liệu làm của con còn thừa thì bố mẹ sẽ chế biến ăn luôn vừa tránh lãng phí vừa tiết kiệm thời gian nấu ăn. Còn thời gian chuẩn bị cũng không quá lâu vì ý tưởng đã lên từ tối hôm trước, đên hôm sau chỉ thực hiện mất khoảng nửa tiếng một đĩa thức ăn.
Là một bà mẹ nuôi 2 con nhỏ, nhìn từ chính sinh hoạt và sự phát triển của các con, chị Trang nhắn nhủ đến các mẹ về nuôi con, đó là, các mẹ hạn chế mua đồ ăn sẵn hay thực phẩm chế biến sẵn cho bé. Với những bé không thích ăn rau bước đầu các mẹ có thể bổ sung vitamin từ rau cho con bằng cách xay lên lấy nước rồi trộn vào cơm làm màu cho con.
Khi muốn giới thiệu một loại rau mới hay thức ăn mói cho con mà con tỏ ra không hào hứng, chị Trang thường ăn trước mặt con với thái độ và cử chỉ tỏ ra rất ngon, hoặc gắn nó với món mà một con vật nào đó con thích rồi liên kết câu chuyện với nhau gây sự tò mò cho bé về món ăn đó. Thế là bé tự xin mẹ cho thử vì trẻ con vốn rất tò mò.
Từ những tác phẩm thiết thực đó, chị Trang chia sẻ lên các hội nhóm mẹ nuôi con, rầm rộ các tin nhắn gửi về để xin chị tư vấn và chỉ cách làm. Chị nói: “Mình chia sẻ ảnh ở mấy nhóm mà cái nào cùng toàn gần vài nghìn tương tác, sáng ngủ dậy choáng vì tin nhắn”.
Nguyên liệu và cách làm một số món ăn bắt mắt
Về công thức các món ăn thì thường chị làm theo trực quan và khẩu vị tuỳ hừng. Dưới đây là một vài những nguyên liệu và cách làm các món ăn bắt mắt, ngộ nghĩnh cho bé yêu.
Món 1: Làm bánh bao trái đào cho bé
Nguyên liệu:
- 400 gram bột bánh bao Ninh Thuận
-150 ml sữa không đường
- 1 thìa nước chanh
- 2 thìa dầu ăn
- 1 lòng trứng gà
- 100 gram đường trắng dạng bột (tuỳ khẩu vị có thể tăng giảm)
- 1/4 thìa muối ăn
Cách làm:
- Bước đầu kiểm tra bột nở có hoạt động không bằng cách cho 150 ml sữa vào cùng với 50 gram đường khuấy đều rồi đun lên 40°C.
- Sau đó cho men nổi vào để 15 phút, nếu men nổi như gạch cua thì men chuẩn còn không thì men chết phải bỏ đi chứ nếu cố làm bánh không bông xốp được.
- Làm màu đỏ cho bánh bao trái đào bằng cách luộc củ dền lên rồi cho vào máy sinh tố xay nhuyễn, các mẹ cho thêm 50 ml nước lọc bã lấy nước.
- Tiếp đến cho 3/4 số bột trộn với tất cả nguyên liệu trên cùng với bát men nổi. 1/4 còn lại để làm bột áo. Trong quá trình nhào nếu thấy bột ướt quá có thể cho thêm từ 1/4 bột này cho đến khi bột không dính tay.
Lưu ý: Các mẹ cho bột vào túi ni lông trộn cho đều tay khoảng 10 phút khi nào lấy bột ra mà không còn dính vào túi là đạt chuẩn.
- Tiếp theo là để bột nghỉ khoảng 2 - 3 tiếng tuỳ thời tiết. Các mẹ có thể cho vào nồi cơm điện phủ khăn và đậy nắp.
- Sau 2-3 tiếng thấy bột đã nở to gấp 3 lần ban đầu thì bắt đầu cho ra bàn nhồi lại thêm 5 phút nữa và bắt đầu nặn hình.
Ví dụ: Muốn làm hình trái đào các mẹ nặn hình trong dẹp phía dưới rồi lấy con dao khía một đường từ trên xuống dưới. Sau đó nặn chóp trái đào cho dài để sau khi hấp bánh không bị mất chóp.
- Chuẩn bị nồi nước với dấm trắng đun thật sôi. Cho bánh vào hấp chín, sau đó đem ra thưởng thức.
Món 2: Làm há cảo, bánh cuốn từ bánh tráng bán sẵn
Nguyên liệu:
- 300 gram tôm xắt nhỏ
- 50 mỡ phần xắt nhỏ
- 2 cọng hành hoa
- 2 lát gừng
- 6 gram bột bắp
- 1 ml dầu mè
- 1 gram tiêu xay
- 10 gram đường
- 2 gram muối
- Nước chấm, nước tương, tương ớt, đường
Cách làm:
- Cho mỡ phần vào tủ đông cho lạnh sau đó lấy ra trộn với tôm thái nhỏ và miết cho mềm hỗn hợp tôm mỡ.
- Tiếp theo cho hành hoa, gừng, dầu mè, tiêu xay, đường, muối vào trộn tiếp cho quyện.
- Cuối cùng cho thêm ít bột ngô rắc vào cho nguyên liệu kết dính không bị rời rạc sau khi hấp.
- Đun nước sôi cho vào hấp chín là hoàn thành.
Món 3: Bánh gối
Nguyên liệu làm vỏ bánh gối bao gồm:
- 250 gram bột mì
- 30 gram bột gạo
- ¼ thìa muối
- 2 quả trứng gà
- 2 thìa canh dầu ăn
- 100 ml nước
Cách làm vỏ bánh gối như sau:
- Cho tất cả vào trộn đều lên rồi để bột nghỉ tầm 30 phút.
- Sau đó lấy ra cán mỏng và cắt thành từng miếng tròn.
Nguyên liệu làm nhân bánh gối bao gồm:
- 150 gram thịt lợn
- 12 quả trứng cút
- 10 gram nấm
- 20 gram cà rốt
- 10 gram su hào
- 1 gói miến
- 1 củ hành tây
Cách làm nhân bánh gối như sau:
- Xào hành tây cho thơm và ngả màu vàng.
- Cho thịt, su hào vào đảo đều.
- Khi thịt gần chín cho nốt miến, nấm hương, cà rốt vào xào tiếp cho đến khi các nguyên liệu chín tới.
- Nem nếm gia vị vừa ăn.
- Bắc bếp để nguội.
- Luộc trứng cút rồi bóc vỏ.
- Đem vỏ bánh bọc với nhân rồi cho vào chảo rán là hoàn thành.