Không phải tự nhiên mà một đứa trẻ có biểu hiện trốn tránh, sợ đến phát khóc khi nhìn thấy hay tiếp xúc gần với một người nào đó. Chắn chắn rằng, con đang gặp vấn đề đối với họ và bố mẹ cần kịp thời phát hiện sớm để đưa ra cách xử lý phù hợp, tránh tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
Con gái 5 tuổi của tôi ngày thường là một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát. Khác với nhiều đứa trẻ có tâm lý sợ người lạ, bé nhà tôi lại cực kỳ dạn dĩ. Vợ chồng tôi đều làm nhân viên văn phòng, thuê một căn chung cư gần nơi làm việc để ở. Bình thường ngoài giờ đi học ở trường, con gái sẽ được cô bảo mẫu chăm sóc tại nhà.
Nhưng dạo gần đây tôi để ý thấy con gái có thái độ rất sợ, thậm chí là bật khóc mỗi lần nhìn thấy người hàng xóm thân thiết của gia đình. Anh ấy là đồng nghiệp của chồng tôi, mặc dù mới chuyển đến đây chưa lâu nhưng vì làm cùng công ty với ông xã nên chúng tôi cũng khá gần gũi.
Ảnh minh hoạ.
Tôi cảm thấy rất khó hiểu vì sao con gái lại sợ anh ấy, thế là để tìm hiểu rõ nguyên nhân, tôi đã nhờ bảo mẫu chú ý nhiều hơn đến đứa trẻ và báo lại tình hình với tôi mỗi ngày. Tôi cũng thường xuyên theo dõi camera ở nhà để nắm được mọi "nhất cử nhất động" của con bé.
Tối đến sau khi đi làm về, tôi nghe bảo mẫu kể rằng:
- Chị ơi! Em biết lý do vì sao Min nhà mình sợ anh hàng xóm rồi chị ạ! Chuyện là mỗi lần qua chơi hoặc gặp con bé ở hành lang, anh ấy rất hay trêu chọc Min. Nhưng đôi khi những lời trêu chọc của anh ấy có chút hù doạ khiến cho Min khá sợ và dè chừng. Min còn nhỏ nên có thể con không phân biệt được đâu là thật và đâu là đùa giỡn.
Em có nhắc nhở anh ấy là đừng trêu Min như vậy nhưng anh ấy chỉ cười và nói "Đùa cho vui thôi mà, trẻ nhỏ thì biết gì!" nên em cũng không biết xử lý như nào. Chị xem nói chuyện lại với anh ấy nhé!
Ảnh minh hoạ.
Nghe bảo mẫu tố cáo việc làm của người hàng xóm mà tôi tức điên. Không do dự, tôi đã ngay lập tức qua nhà anh ấy để nói cho rõ ràng về vấn đề này. Anh ta là người lớn rồi, vậy mà còn không biết chừng mực, trêu đùa kiểu gì khiến con gái tôi sợ đến phát khóc, ấy thế mà lại xem như chuyện nhỏ nhặt chẳng có gì to tát.
Nếu tôi không can thiệp để dừng ngay sự việc này thì con gái tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức nào. Trêu chọc trẻ nhỏ không đúng cách, mọi người đừng nghĩ rằng nó đơn giản "Chỉ là đùa vui thôi mà!"... Về lâu về dài, nó thực sự sẽ để lại hậu quả khiến nhiều người lớn phải hối hận đấy!
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trong cuộc sống, chúng ta có thể thường nghe người lớn nói với trẻ em những lời như: “Mẹ mày không muốn nuôi mày nữa", "Con là đứa trẻ được bố mẹ nhặt từ trong thùng rác đem về nuôi", "Nếu con không nghe lời một lần nữa, bố mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà"... Trong mắt người lớn, đây chỉ là những lời mang tính trêu đùa. Nhưng đối với trẻ em thì những đứa trẻ có thể không nghĩ như vậy.
Trong cuốn "Toxic Parents", nhà tâm lý học Tiến sĩ Susan Forward đã nói thế này: "Trẻ em không thể phân biệt sự thật với những trò đùa, và chúng lấy những gì người lớn nói với chúng để biến nó thành của riêng mình". Thực chất những lời trêu đùa đối với người lớn có thể nó mang lại niềm vui, tiếng cười và sự hài hước. Nhưng ở độ tuổi khả năng nhận thức còn hạn chế, trẻ em không thể phân biệt được đâu là trò đùa và đâu là sự thật. Vậy nên so với người lớn, trẻ nhỏ dễ chịu nhiều tổn thương về tâm lý hơn trong vấn đề này.
Trong cuộc sống, có nhiều bố mẹ thường dùng câu này để giáo dục con theo thói quen: "Nếu con còn tái phạm lần nữa, bố mẹ sẽ bỏ con!" Nghe câu này, những đứa trẻ ngỗ nghịch có thể lập tức bình tĩnh lại, tác dụng giáo dục là tức thì nhưng thông thường tác động tâm lý lại đặc biệt xấu.
Trong suy nghĩ của người lớn, sự ép buộc hay đe dọa đó chỉ là một trò đùa và tin rằng đứa trẻ sẽ nhanh chóng quên đi. Nhưng trẻ em thường coi trọng điều đó, theo thời gian trẻ sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không an toàn.
Thậm chí điều này đã để lại nỗi ám ảnh trong tâm hồn của những đứa trẻ, và đó là lý do mà một số bố mẹ sẽ nghe thấy đứa trẻ của mình khóc và nói "đừng bỏ con, đừng bỏ con" nhiều lần khi đứa trẻ đang ngủ vào ban đêm vì mơ thấy ác mộng.
Đó là trường hợp những đứa trẻ có tính cách nhạy cảm và tin vào những trò đùa của bố mẹ sẽ thành sự thật. Tuy nhiên theo thời gian, bởi vì mỗi lần đùa giỡn quá nhiều, dọa nạt không thành hiện thực, giai đoạn đầu sẽ có tác dụng thế nhưng càng về lâu về dài, đứa trẻ sẽ không còn tin vào lời người lớn nói. Cuối cùng, uy tín của bố mẹ trong lòng con cái không còn vững vàng nữa.
Thực tế thì trẻ con rất mỏng manh, người lớn không thể đùa giỡn quá trớn, một câu đùa tùy tiện có thể là đả kích lớn đối với tâm hồn chưa trưởng thành của trẻ, và chắc chắn nó sẽ làm tổn thương trái tim non nớt của trẻ. Nhà triết học người Anh - Locke đã nói: "Trí óc của một đứa trẻ là một tờ giấy trắng, trên đó bạn có thể khắc bất cứ thứ gì bạn muốn".
Đó là lý do mà khi đối xử với trẻ em, người lớn phải nghiêm túc và đừng tùy tiện. Người lớn không nên đùa với trẻ khi đứa trẻ không thể biết đó là một trò đùa hay sự thật. Những trò đùa vô ý thức của người lớn có thể khiến trẻ sợ hãi và lo lắng sâu sắc, trải nghiệm tồi tệ này có thể ảnh hưởng đến trẻ suốt đời, thậm chí dẫn đến bi kịch gia đình.