Dư luận những ngày gần đây đang xôn xao và lên án hành động của một cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh ngồi ngoài trời giữa trưa nắng nóng. Lý do bị phạt là vì em học sinh lớp 1 đi học sớm, không ăn bán trú nên không thể vào lớp khi các bạn khác chưa ngủ dậy.
Việc em phải lang thang giữa trưa nắng nóng một mình như vậy khiến mẹ em bức xúc, đăng tải sự việc lên cộng đồng mạng. Dẫu chưa phân định đúng sai về hành vi xử phạt của cô giáo, nhưng việc để một đứa trẻ chịu khổ cực thể xác như thế cũng là điều không chấp nhận được.
Bởi rất có thể, những hình phạt không đúng cách, xuất phát từ sự thiếu nghiệp vụ sư phạm và đạo đức người cầm phấn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến không ngờ. Thực tế trên thế giới đã không ít lần chấn động vì những cái chết thương tâm của học sinh mà nguyên nhân do phải chịu hình phạt tàn nhẫn của giáo viên.
Học sinh ở Ấn Độ bị đánh đến chết
Bạo lực trường học là một trong những vấn nạn nhức nhối nhất ở Ấn Độ. Đã có không ít trường hợp học sinh bị chết chỉ vì do thầy cô giáo đánh. Có thể kể đến như câu chuyện gây chấn động thế giới vào ngày 9/4/2015 khi cảnh sát Ấn Độ bắt giữ một hiệu trưởng vì bị cáo buộc đánh chết học sinh lớp 3. Được biết, nguyên nhân đánh học sinh của hiệu trưởng là em này ăn trộm chiếc bút chì và tẩy của bạn.
Theo Dailymail đưa tin, vụ việc xảy ra tại trường Dwarika Prasad, làng Railamau, thuộc vùng Barabanki, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nạn nhân là cậu học sinh Shiva (11 tuổi). Theo báo cáo, một giáo viên phát hiện cây bút chì và tẩy bị mất nằm trong cặp của Shiva, liền báo hiệu trưởng Lalit Verma. Ông này đã ra tay đánh đập dã man học sinh của mình.
Em học sinh Shiva bị thầy hiệu trưởng đánh đến chết vì nghi lấy bút chì của bạn.
Gia đình Shiva cho biết, đi học về, em kêu đau bụng và bắt đầu nôn ra máu. Người nhà vội đưa đến bệnh viện Fatehpur nhưng Shiva đã qua đời trên đường. Theo các bác sĩ, nạn nhân tử vong do chấn thương nặng dẫn đến xuất huyết dạ dày. Gia đình Shiva đã gửi đơn báo cảnh sát, yêu cầu làm rõ vụ việc. Cảnh sát cho biết, ông Verma đã nhận dùng tay tát và đấm Shiva, vì cho rằng cậu bé trộm đồ. Hiệu trưởng Verma được cho là có tiếng “hay đánh học sinh, có khi bằng gậy, ngay cả khi các em phạm lỗi nhỏ”.
Tờ báo Dailymail cũng nhắc đến hàng loạt những vụ án học sinh nam bị giáo viên đánh tới chết ở Ấn Độ. Trong đó có việc ở thành phố Burdwan, thuộc bang West Bengal, một cậu bé 9 tuổi kêu đau dạ dày và chết chỉ vài giờ sau khi bị gia sư riêng đánh bằng một cây gậy. Nguyên nhân vì em học sinh trả lời sai một câu hỏi.
Ở một nơi khác, tại Bareilly, Uttar Pradesh, em học sinh 7 tuổi Araj đã bị giáo viên đập đầu vào tường vì không làm bài tập và không đóng học phí đúng kì. Sau khi bị đập đầu, Araj chảy máu mũi, được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong ngay sau đó.
Tử vong khi bị phạt chạy quanh trường
Theo báo cáo từ cảnh sát, ngày 1.10.2019, cậu bé Fanly Lahingide (Manado, Indonesia) cùng với 5 người bạn khác, đã đến trường muộn 25 phút. Để phạt những học sinh này, giáo viên đã yêu cầu họ chạy vòng quanh sân trường. Khi đang chạy vòng thứ 2 Fanly ngã xuống đất. Cậu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu và sau đó được tuyên bố tử vong lúc 8h40. Gia đình cho biết, Fanly không có bất kỳ tiền sử bệnh tật nào.
Chỉ vì đi học muộn, Fanly bị phạt chạy bộ đến tử vong.
Khám nghiệm tử thi được thực hiện tại bệnh viện Bhayangkara. Mẹ cậu bé đã rơi nước mắt kể lại rằng cậu bé vẫn ăn sáng ở nhà trước khi đến trường lúc 6h30. Chưa đầy 2 tiếng sau, bà mẹ 46 tuổi nhận được điện báo con trai đã qua đời. Bà chưa bao giờ nghĩ sáng hôm đó sẽ là lần cuối cùng được gặp con trai mình và mong muốn cảnh sát đưa ra hình phạt đích đáng cho vị giáo viên.
Bị đánh 3 tiếng đến chết do nghi ngờ học sinh ăn cắp ví tiền
Cuối tháng 8/2018, Sperius Eradius, 13 tuổi, ở phía Bắc tỉnh Kagera, Tanzania, qua đời sau khi bị phạt ở trường. Theo The Guardian, Sperius bị thầy giáo Respicius Patrick Mutazangira đánh do nghi ngờ em ăn cắp ví tiền của giáo viên khác. Respicius dùng roi đánh Sperius trong 3 giờ liên tiếp để ép em nhận lỗi. Cuộc bạo hành khiến nạn nhân qua đời vì sốc thần kinh (thường do chấn thương não hoặc cột sống).
Sperius Eradius qua đời vì sốc thần kinh sau sự bạo hành của thầy giáo.
Thông báo về cái chết của cậu bé năm ngoái tại Trường tiểu học Kibeta ở Bukoba đã gây ra sự phẫn nộ quốc gia và đòi công lý. Gia đình của Eradius từ chối chôn xác cho đến khi thủ phạm bị bắt. Giáo viên người Tanzania đã bị kết án tử hình là treo cổ - một bản án hiếm và cao cấp nhằm bảo vệ học sinh khỏi nạn bạo hành nơi trường học.
Chết do giáo viên yêu cầu bạn “đánh hội đồng”
Sự việc xảy ra hồi năm 2017, tại trường Tiểu học Mukandamia ở huyện Laikipia, Kenya. Em học sinh Joy Wangari được đưa tới bệnh viện sau khi nôn ra máu, sau đó chết trong quá trình điều trị do vết thương quá nghiêm trọng. Người chịu trách nhiệm trực tiếp cho cái chết thương tâm của cô bé là phó hiệu trưởng kiêm giáo viên của trường. Người này đã yêu cầu học sinh trong lớp đánh Joy vì em không biết đọc tiếng Anh.
Sau một tiết học tiếng Anh, Joy Wangari vĩnh viễn không bao giờ được đến trường nữa.
Theo nhân chứng kể lại, thầy giáo giao bạn dạy Joy Wangari đọc tiếng Anh và cho phép đánh nếu em không đọc được. Ông ta cũng đánh mạnh vào lưng nạn nhân chỉ vì em thừa nhận không biết đọc. Một số phụ huynh cho biết thầy giáo yêu cầu bạn học cùng đánh Joy nhằm che giấu những vết thương nghiêm trọng do ông gây ra. Sau khi bị “đánh hội đồng”, Joy lên gặp hiệu trưởng báo cáo và xin phép về nhà. Đó là lần cuối cùng em ở trường.
Bị nhốt trong tủ đến sùi bọn mép
Tháng 5/2017, Daudi Kaila, 11 tuổi, học sinh trường Tiểu học Matwiga ở thành phố Mbeya, Tanzania, qua đời sau hình phạt của hiệu trưởng. Theo The Citizen, Daudi và một học sinh 12 tuổi khác bị nhốt trong tủ suốt hai giờ. Khi được giải thoát, cả hai sùi bọt mép. Daudi Kaila tử vong trên đường đưa đến trung tâm y tế gần đó.
Tháng 10/2016, một vụ bạo hành kinh khủng khác xảy ra tại trường THCS ở Mbeya. 5 giáo viên thực tập vây đánh dã man một học sinh trong khi em quằn quại đau đớn trên sàn nhà phòng giáo viên. Nạn nhân may mắn thoát chết nhờ một giáo viên phát hiện và can thiệp kịp thời.
Phạt quỳ đến ngất xỉu và dẫn đến tử vong
Tháng 7/2015, theo báo cáo của cảnh sát, Ashritha, một học sinh lớp 5 tại trường Vivek Vardhini Model ở thị trấn Huzurabad, thành phố Karimnagar, bang Telangana, Ấn Độ đã tử vong sau khi phải chịu hình phạt của giáo viên. Ashritha, cùng với 5 học sinh khác bị phạt quỳ suốt 2 giờ vì không làm bài tập về nhà. Hình phạt khiến em ngất xỉu tại lớp học.
Ngày hôm sau, gia đình phải đưa em tới bệnh viện. Cũng trong thời điểm này, nhà trường thông báo về kỳ nghỉ 3 ngày từ thứ 6 đến Chủ Nhật. Đến ngày thứ 2, bố mẹ em gọi cho trường để xin phép nghỉ học cho con chữa bệnh. Tuy nhiên, tình hình không tiến triển, bố mẹ Kolipaka tiếp tục chuyển con sang bệnh viện lớn để được điều trị tốt hơn. Nhận thấy sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, bác sĩ cho phép em ra viện nhưng chỉ sáng hôm sau, nữ sinh nhập viện trở lại vì bệnh tình chuyển biến xấu. Lần này, em không thể qua khỏi.
Học sinh lớp 5, Ashritha, đã tử vong sau khi bị phạt quỳ 2 giờ đồng hồ.
Những cái chết thương tâm trên hẳn sẽ thêm một lần đưa ra cảnh báo cho những người giáo viên vẫn đưa ra hình phạt sai trái trong lớp học. Bởi đôi khi chỉ vì một sự nổi giận không kiềm chế được, một hành động trút xuống đầu học sinh là phải đánh đổi bằng một mạng người.
Hay cho dù những hình phạt sai trái, vô đạo đức của giáo viên không gây ra cái chết của học sinh đi nữa, thì cũng sẽ khiến em học sinh đó vừa phải chịu những nỗi đau về thể xác, vừa chịu tổn thương lớn về tinh thần. Hành trình cắp sách đến trường sẽ không còn là niềm vui, thay vào đó là đầy rẫy đau đớn, hoảng loạn và cô đơn.
Có ở trong cương vị làm cha mẹ mới hiểu vì sao mỗi một vụ việc giáo viên phạt, thậm chí đánh chết học sinh lại khiến xã hội căm phẫn đến thế. Tại nhiều trường học trên khắp thế giới, vô số học sinh vẫn liên tục phải hứng chịu những hình phạt thể xác nặng nề.
Làn sóng phản đối hình phạt thể xác trong trường học cũng được dấy lên, những người tham gia chiến dịch đưa ra chỉ trích rằng nhiều trường biến học sinh thành đối tượng của hình phạt bạo lực và đê hèn. Họ còn kêu gọi thành lập ban bảo vệ trẻ em tại các trường học để đảm bảo an toàn của trẻ và khuyến cáo giáo viên, phụ huynh không áp dụng hình phạt thể xác đối với học sinh.
Những hình phạt sai trái, bộc phát, thậm chí áp dụng “luật rừng” vào trong lớp học của thầy cô giáo đã và đang làm xói mòn niềm tin của xã hội về vị thế và phẩm chất của nhà giáo, làm giảm đi sự gắn bó và yêu nghề của những giáo viên giỏi khi nguy cơ bị phụ huynh tấn công trong ngay môi trường làm việc và không thể được bảo vệ bởi lãnh đạo nhà trường là có thật.
Bởi vậy mới nói, điều đầu tiên người giáo viên phải học khi đứng trên bục giảng không phải là kiến thức, mà là việc giao tiếp với học sinh thế nào cho hiệu quả, là việc cần phải kiềm chế sự bộc phát của bản thân và cách để sử dụng những công cụ kỷ luật tích cực. Từ đó, người giáo viên mới làm đúng vai trò của mình là dạy học sinh lớn lên thành người tử tế.