Trong thời gian mang thai, chắc hẳn mẹ bầu nào cũng luôn chú ý đến bụng của mình và cảm nhận nhất cử nhất động của thai nhi để xem con có khỏe không. Nếu thường xuyên quan sát bụng bầu, mẹ có thể dễ dàng nhận ra không phải lúc nào cũng tròn vo mà thường méo mó, đôi khi lệch hẳn sang một bên. Đặc biệt đến 3 tháng cuối thai kỳ thì sẽ càng dễ nhận ra sự không cân xứng này. Vậy vì sao tử cung của mẹ lại bị lệch như vậy và nó có ảnh hưởng gì đến thai kỳ không?
Đôi khi mẹ bầu sẽ hốt hoảng vì bụng méo xệch hẳn sang một bên. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân từ phía thai nhi
Do ngôi thai
Mỗi tháng thai kỳ đi qua, em bé sẽ phát triển nhanh chóng, di chuyển nhiều và cũng sẽ đặt mình ở các vị trí khác nhau.
Dó 3 tư thế chính của thai nhi là ngôi đầu, ngôi mông và ngôi ngàng. Tư thế ngôi đầu có nghĩa là đầu của thai nhi rơi thẳng vào khung chậu. Tư thế ngôi mông là ngôi mông hướng xuống. Tư thế ngôi ngang có nghĩa là thai nằm ngang trong tử cung.
Ở tư thế ngôi ngang hoặc ngôi mông, các chi của thai nhi sẽ nằm ở gần phần bụng trên. Khi thai nhi cử động thì phần bụng trên của mẹ bầu sẽ có biểu hiện không đều, đặc biệt là thai nhi ở tư thế nằm ngang.
Do em bé chuyển động
Em bé không nằm yên mà sẽ thường xuyên chuyển động nên bụng mẹ cũng bị "méo" theo. (Ảnh minh họa)
Từ tuần thứ 9 của thai kỳ, em bé trong bụng mẹ bầu đã có những chuyển động đầu tiên. Tuy nhiên, phải đến 18-20 tuần thì mẹ mới có thể cảm nhận rõ ràng cử động này.
Đến tam cá nguyệt thứ ba thì các chi của em bé phát triển nhanh chóng và em bắt đầu vung tay chân thường xuyên và xoay người. Mẹ thậm chí có thể nhìn thấy bàn chân, bàn tay nhỏ của thai nhi gồ lên trên bụng mình. Chơi đùa mệt mỏi, bé sẽ trốn ở một chỗ để nghỉ ngơi. Lúc này, bụng của mẹ sẽ có vẻ cao một bên, thấp một bên. Nếu bé nằm nghiêng bên trái, bạn sẽ thấy bụng bên trái cao hơn bên phải. Nếu bé nằm nghiêng bên phải thì ngược lại, dẫn đến không cân xứng hai bên.
Nguyên nhân từ phía người mẹ
Tư thế ngủ không thay đổi trong một thời gian dài
Nhiều mẹ bầu đã nghe bác sĩ nói rằng nằm ngủ ở tư thế nằm nghiêng bên trái sẽ tốt cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, họ nằm ngủ ở tư thế này trong suốt thai kỳ.
Tuy nhiên, ngủ nghiêng về bên trái trong thời gian dài sẽ khiến bụng bên trái to hơn bên phải. Đó là do thai nhi cũng thích nằm nghiêng bên trái tử cung vì đã quen với tư thế ngủ này của mẹ.
Mẹ duy trì tư thế nằm nghiêng sang một bên lâu cũng có thể khiến bụng bầu phát triển không cân xứng. (Ảnh minh họa)
Tử cung bị chèn ép
Trong khung chậu của phụ nữ, ngoài tử cung còn có các cơ quan khác, chẳng hạn như ruột. Khi thể tích tử cung tăng lên, không gian bị chiếm dụng cũng tăng lên, tử cung bị đường ruột chèn ép càng nhiều. Trong khi đó, khoang bụng bên trái bị đại tràng và trực tràng chiếm hết, tử cung bị chèn ép và nghiêng sang bên phải. Đây là hiện tượng mà các bác sĩ thường gọi là tử cung nghiêng phải, khiến bụng bầu bên phải to hơn bên trái.
Đương nhiên, việc bụng mẹ bầu tròn hay méo thì cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi nên mẹ đừng quá lo lắng. Mẹ bầu chỉ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học theo lời khuyên từ bác sĩ là em bé trong bụng sẽ phát triển khỏe mạnh.