Nếu bạn cảm giác như ở đâu cũng nghe nói về MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc Covid-19 ở trẻ em) là do hoảng loạn. Bởi lẽ, ngay cả với chủng Delta thì MIS-C cũng rất hiếm gặp - tỉ lệ theo thống kê ở các nước là 1/10.000 trẻ). Không phải trẻ mắc MIS-C nào cũng nặng đến nỗi phải nằm hồi sức như nhiều người nghĩ.
Không có chuyện một trẻ tự dưng đang khỏe mạnh bỗng "lăn đùng" ra vì MIS-C. Thứ nhất, MIS-C chỉ xảy ra trong vòng 2-6 tuần sau khi mắc Covid-19. Quá thời gian này thì các vấn đề sức khỏe mà trẻ gặp phải không phải là MIS-C, không phải do hậu Covid-19.
Bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho trẻ mắc hậu Covid-19 (ảnh minh họa) Ảnh: KHÁNH CHI
Thứ hai, MIS-C diễn tiến rất từ từ và các triệu chứng không khó để nhận biết. Phải có sốt kèm theo một số triệu chứng ở các cơ quan: nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, ho, thở mệt… thì mới có thể là MIS-C. Nếu trẻ chỉ bị sốt, hay không sốt mà than nhức đầu hoặc tiêu chảy thì không phải đã bị MIS-C.
Ví dụ, khi đã khỏi Covid-19 mà trẻ hay than nhức đầu, khó ngủ thì đừng vội hoảng loạn nghĩ đến MIS-C hay hậu Covid-19 gì. Trẻ em rất khó bị các di chứng do Covid-19. Có thể trong thời gian cách ly, trẻ được cho dùng điện thoại, máy tính bảng nhiều quá nên nhức đầu.
Thứ ba, từ các triệu chứng nêu trên mà để ảnh hưởng đến tim thì cần một thời gian nhất định. Muốn chẩn đoán MIS-C thì cần có bác sĩ thăm khám.
Do đó, việc phụ huynh nên làm là nếu thấy con em mình xuất hiện đồng thời sốt và nhiều triệu chứng ở các cơ quan như trên thì đưa trẻ đi khám. MIS-C phát hiện sớm, điều trị sớm là rất dễ trị, dễ khỏi.
Thứ tư, biến thể Omicron đang dần chiếm ưu thế so với Delta ở TP HCM và có thể là các địa phương khác nữa. Điều này càng nên mừng nếu như bạn có con nhỏ và đang hoang mang khi nghe nói đến MIS-C.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khi Omicron xuất hiện ở đất nước này, số ca bệnh Covid-19 tăng rất cao nhưng số trường hợp MIS-C lại đi xuống và gần như không còn thấy.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1)